Đó là thời điểm giữa tháng 11 khi tôi đang viết những điều này. Là một giáo viên yoga sống tại Mỹ, tôi bắt đầu nghĩ về việc mình sẽ dạy gì trong tuần lễ Tạ ơn. Và tôi nhận ra rằng mình không còn thấy thoải mái khi nói rất nhiều điều mà tôi thường sử dụng trong lớp yoga, đặc biệt là khi lên chủ đề các lớp xoay quanh trọng tâm về thức ăn trong những ngày lễ. Khi tôi học nhiều hơn về việc hài lòng với cơ thể của mình trong mối quan hệ với việc tập luyện yoga và văn hóa, đồng thời khi tôi ý thức nhiều hơn về việc tránh đưa ra những dẫn chứng có vẻ như mang tính khoa học về việc tập luyện, tôi nhận ra rằng tôi không còn thoải mái khi quảng cáo một lớp vinyasa với cường độ mạnh như là một phương pháp để đốt cháy lượng calo bị vượt trội do nghỉ lễ, hoặc dạy một “lớp thải độc” sau lễ Tạ ơn khi mà tôi khuyến khích học viên “đổ mồ hôi” (hoặc “vặn xoắn hết ra”) những “chất độc” bởi gà tây.

Ngôn ngữ là vấn đề. Và tôi nhận ra rằng có rất nhiều điều tôi đã nói trong 10 năm giảng dạy đầu tiên, thường là với ý định tốt hoặc thậm chí chỉ là một cách tự nhiên nhưng có thể đã gây khó hiểu, mơ hồ hoặc đơn giản là không đúng sự thật. Tôi xin lỗi vì đã nói những điều này. Tôi biết ơn về những cuộc trao đổi, những kinh nghiệm và việc học tập không ngừng đã cho tôi thấy tại sao những điều này lại không giúp ích cho học viên của tôi, và thay vào đó tôi nên nói thế nào để mang lại một trải nghiệm tự tin hơn và được đón nhận hơn trong lớp. Khi nói điều này, tôi nhận ra rằng có những điều chắc chắn tôi nói và dạy bây giờ sẽ làm cho “tôi của tương lai” khiêm nhường hơn. Vì vậy sẽ rất quan trọng đối với mỗi chúng ta – những giáo viên là luôn học hỏi không ngừng, luôn đặt ra những câu hỏi và có những cuộc trao đổi để thách thức hoặc phá vỡ những giả định chưa từng được đặt câu hỏi của chúng ta trước đây về yoga.

Với tinh thần này, dưới đây là danh sách (chưa đầy đủ) những điều tôi không còn nói trong lớp nữa (và tại sao).

1. “CẦM LẤY MỘT DỤNG CỤ HỖ TRỢ NẾU BẠN CẦN.”
“Sử dụng dây nếu bạn cần”. “Cầm khối nếu bạn cần”. “Đi vào tường nếu bạn cần”. Tôi đã nói những câu này rất nhiều. Có lẽ số lần cũng nhiều như câu “nhớ hít thở” và “hãy gặp nhau ở tư thế chó cúi” trong danh sách “những điều Kat hay nói nhất trong lớp yoga”.

Và hãy để tôi làm rõ: Tôi YÊU dụng cụ hỗ trợ. Tôi muốn những học viên trong lớp tôi tận dụng hết lợi ích của dụng cụ hỗ trợ và để cảm thấy tự tin khi kết hợp chúng vào tư thế bất cứ khi nào và bằng bất kỳ cách nào có ích nhất cho họ. Nhưng trong quá trình tạo một môi trường thân thiện với dụng cụ trong lớp yoga, tôi học được rằng cách nói “sử dụng dây/khối/bất cứ thứ gì nếu bạn cần” là chưa đủ.

Một điều là học viên có thể không biết liệu họ có cần dụng cụ hỗ trợ hay không. Họ có thể cũng không biết cách dùng dụng cụ đó thế nào, hoặc họ có thể cảm thấy họ đang không làm “động tác thực sự” nếu họ dùng dụng cụ. Nếu tôi muốn học viên hưởng lợi từ dụng cụ, tôi thực sự phải dạy những cách mà họ có thể hưởng lợi, và sau đó thay đổi ngôn ngữ mà tôi sử dụng khi nói về dụng cụ. Bởi vì dụng cụ thực sự có nhiều công dụng. Và chúng chắc chắn không chỉ cho người mới bắt đầu hoặc “người không dẻo”. Nhưng khi chuyển tải thông điệp này đến học viên, từ ngữ mà chúng ta sử dụng khi đề xuất dùng dụng cụ có thể mang lại sự khác biệt lớn lao.

Thay vì “nếu bạn không thể chạm sàn” hoặc “nếu bạn không đủ dẻo để đan 2 tay”, tại sao không sử dụng “đây là một mẹo thú vị bạn có thể thử với khối của mình”, hoặc “thử xem điều gì xảy ra nếu bạn nắm sợi dây trong tư thế này”? Thay vì coi những asana sử dụng dụng cụ hỗ trợ như là bước kế tiếp gần nhất của tư thế thật, chúng ta – những giáo viên có cơ hội sử dụng dụng cụ để giúp học viên mọi cấp độ được khám phá các tư thế theo một cách mới và sáng tạo. Họ có thể kích hoạt cơ nào bằng việc kéo sợi dây vòng quanh ống chân hoặc quanh đùi? Họ có thể tìm thấy thêm không gian hoặc sự thoải mái nào trong tư thế bằng việc đặt khối dưới bàn tay? Họ có thể khám khá việc mở thêm vùng ngực như thế nào khi ràng 2 tay cùng với việc sử dụng một sợi dây? Bằng cách nào mà bức tường có thể được sử dụng như công cụ để khám phá những biến thể mới và thú vị của tư thế, hoặc để tập trung vào một hành động hoặc một vùng cụ thể của cơ thể mà họ có thể muốn tập trung vào? Thay vì đề cập một cách mơ hồ về khối và đai có trên kệ lớp học, chúng ta sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, cụ thể và tích cực để nói về dụng cụ, qua đó có thể giúp học viên đạt được lợi ích tối đa từ việc tập luyện yoga.

2. BẤT CỨ ĐIỀU GÌ VỀ GIẢM CÂN.
Là những giáo viên, chúng ta không bao giờ nên phỏng đoán rằng mọi người trong lớp đều muốn giảm cân. Mọi người với đủ mọi đặc điểm cơ thể đến lớp yoga vì những lý do khác nhau. Chúng ta đặc biệt không nên giả định rằng một học viên nào đó đến lớp để giảm cân (hoặc họ quan tâm đến việc giảm cân) dựa trên hình dáng hoặc kích thước cơ thể họ; hay cho rằng việc đốt calo tối đa là mục tiêu chung mà mọi người trong lớp đang muốn đạt được; hoặc mọi người đều muốn “thoát khỏi phần thịt mỡ thừa ở eo”.

Mặc dù tôi không bao giờ dùng qua nhiều từ ngữ một cách trực tiếp liên quan đến giảm cân trong lớp yoga nhưng khi nhìn lại, tôi có thể thấy tôi đã len lỏi những từ này vào một cách vô thức. Điều này phần lớn được làm trong bối cảnh liên quan đến những gì tôi nghĩ vào thời điểm đó đang là mong ước chung – những lời bình luận nho nhỏ về việc “làm tiêu” những bữa ăn, những buổi chiêu đãi vào dịp lễ, hoặc về việc làm biến mất hoặc ngăn ngừa sự tích tụ mỡ bụng. Và sự thật là, những lời bình luận này có thể gây tổn thương, xấu hổ và làm châm ngòi. Nhưng tôi thực sự không nhận ra điều này cho đến khi tôi thấy bản thân mình rơi vào vị trí nhận được những lời bình phẩm liên quan đến cân nặng trong lớp yoga – đặc biệt những lời có dụng ý tốt như “Trông bạn thật tuyệt? Bạn mới giảm cân à?” Tôi biết những lời nhận xét này hầu như luôn là những lời khen thật lòng, nhưng sự thật là: Tôi không cố gắng giảm cân, và tôi cũng không biết là liệu tôi có giảm cân hay không vì tôi không tự cân mình. Đó là bởi vì từ năm tôi 7 tuổi đến những năm 20 tuổi, cuộc sống của tôi phần lớn xoay quanh vấn đề cân nặng (hoặc chính xác hơn là bệnh rối loại ăn uống của tôi). Đối với tôi, việc đưa ra quyết định một cách có ý thức về việc không cân là một quyết định lớn của việc sống khỏe mạnh. Nhưng bất cứ khi nào những giáo viên yoga với dụng ý tốt khen ngợi về việc giảm cân theo phỏng đoán của họ, những ý nghĩ như “Mình có nên cố gắng giảm cân không nhỉ? Giáo viên của mình không đồng ý với cân nặng của mình hay sao? Trước đây trông mình không ổn à?” ngay lập tức xuất hiện trong đầu. Và tôi bắt đầu hiểu ra rằng tại sao những nhận xét liên quan đến giảm cân không phù hợp trong các phòng tập yoga.

Điều này cũng có nghĩa tránh sử dụng ngôn ngữ gây ra ngại ngùng về cơ thể khi chúng ta mô tả công dụng của tư thế, như việc đề cập rằng một tư thế hoặc một bài tập nào đó có thể làm giảm mỡ tại một vùng nhất định của cơ thể (ví dụ như nghĩ “các động tác xoắn sẽ làm loại bỏ mỡ ở phần eo dưới”). Một điều là, những nhận xét như vậy sẽ làm gia tăng những chuẩn văn hóa không lành mạnh về việc một cơ thể “đáng mơ ước” nên trông thế nào. Và một điều khác nữa là, chúng thậm chí không chính xác; bạn không thể “giảm mỡ tại một chỗ”. Một cách thực sự trung thực, thực tế bạn không thể nghiền chỗ mỡ bụng, vặn xoắn để đạt được vòng eo nhỏ hơn, hoặc làm tư thế cái ghế để đùi nhỏ hơn. Sinh lý học con người không làm việc theo cách như vậy.

Sẽ thế nào nếu như thay vì chú trọng vào yoga như là một phương tiện để “chỉnh sửa” chính mình hoặc học viên, chúng ta chú trọng vào những cách thức mà việc tập luyện có thể được sử dụng như một công cụ để giúp ta biết tự chấp nhận bản thân và suy nghĩ tích cực về cơ thể mình? Sẽ ra sao nếu như thay vì nhận xét cơ thể của học viên trông thế nào, hoặc giả định họ muốn cơ thể mình trông thế nào, chúng ta tập trung vào những điều tuyệt vời mà cơ thể họ đang làm được mỗi lần họ đến lớp? Liệu chúng ta có thể dừng việc tự động liên hệ sức khỏe với việc phải gầy? Và sẽ thế nào nếu như thay vì lời hứa không thật về bụng phẳng hơn hoặc đùi gọn hơn, chúng ta chú tâm vào tất cả những lợi ích kỳ diệu bên trong mà việc tập luyện có khả năng mang lại? Những lợi ích như việc tự chấp nhận bản thân, giảm stress và là một phần của cộng đồng.

3. “ĐƯA HƠI THỞ VÀO NGÓN CHÂN ÚT BÊN PHẢI.”
Hoặc hông trái. Hoặc thắt lưng. Hoặc bất kỳ chỗ nào mà không phải là phổi của bạn.
Là một người thực hành, tôi thực sự thích những lời hướng dẫn như thế này. Chúng giúp tôi đưa sự chú ý vào (và thường một cách vô thức giải tỏa căng thẳng khỏi) những vùng cơ thể thường cần phải chú ý hơn một chút. Đó là lý do tại sao tôi thường đưa những hướng dẫn này. Nhưng sau khi nhận được một số phản hồi hữu ích từ học viên, tôi dần dần nhận ra rằng “đưa hơi thở vào <điền bộ phận cơ thể tại đây>” không phải là một lời hướng dẫn hiệu quả cho mọi học viên.

Một điều là một số học viên sẽ nghĩ một cách tự động “Ôi lạy Chúa, cô ấy nghĩ là có thể thở vào đến tận ngón chân út thật ư?” Tôi còn xa mới có thể là chuyên gia giải phẫu học, nhưng tôi thà là để học viên biết chắc rằng với tư cách là giáo viên của họ, ít nhất tôi đủ biết về cơ thể học con người để hiểu rằng về mặt thực tế cũng như về mặt thể chất, họ không thể đưa hơi thở vào đến ngón chân út. Và thậm chí kể cả khi họ không soi kỹ mức độ đáng tin cậy về kiến thức giải phẫu học và sinh lý học của tôi, đối với những học viên khác thì đây đơn giản là một lời hướng dẫn trừu tượng, khó hiểu mà có thể dễ dàng gây hiều lầm, bị lờ đi, hoặc tệ hơn là có thể khiến họ cảm thấy xa lạ, như là họ “không đủ trình độ cao” để ở trong lớp yoga này.

Nếu bạn (giống như tôi) thực sự thích lời hướng dẫn này, bạn có thể thấy rằng một phiên bản ít văn hoa hơn sẽ giúp cho học viên dễ dàng nắm bắt hơn – như “hít thở như thể bạn có thể đưa hơi thở vào tận ngón chân út bên phải”. Hoặc thậm chí “đưa sự tập trung của bạn vào ngón chân út bên phải”

Gạt sang một bên cơ chế về thở, có lẽ bài học quan trọng nhất mà tôi đã học được khi phát hiện ra rằng một lời hướng dẫn tôi thường đưa ra đang gây bối rối cho rất nhiều học viên là: Chỉ vì tôi thích thú hoặc cảm thấy có lợi từ một lời hướng dẫn nào đó, điều đó không có nghĩa là mọi người sẽ thấy lời hướng dẫn đó hữu ích. Bởi vì rốt cuộc, trải nghiệm yoga của mỗi người là khác nhau và không phải tất cả mọi người đều hiểu hoặc mô tả việc tập luyện của họ theo cùng 1 cách.

4. “NẾU BẠN DẺO HƠN…”
Tôi nói câu này rất nhiều. Ý tôi là tôi muốn đưa ra những lựa chọn cho một tư thế, và điều này dường như khá rõ ràng, đúng không? “Nếu bạn ít “dẻo”, thử cách này, nếu bạn “dẻo” hơn, làm cách này”. Mỗi người sẽ làm biến thể phù hợp với họ. Đơn giản, đúng không?

Ngoài trừ là, khi đến với yoga, “dẻo” có thể là một từ đặc biệt nặng nề. Bởi vì có một sự liên quan mạnh mẽ giữa yoga và độ dẻo, và ẩn dưới đó là quan niệm “nếu bạn dẻo, bạn tập yoga tốt.” Đồng thời cũng có nghĩa “nếu bạn không dẻo, bạn tập yoga tồi”. “Dẻo” trở thành phép thử cho những ai thuộc về hoặc không thuộc về lớp yoga. (Bất chấp thực tế rằng yoga chắc chắn còn là nhiều điều hơn nhiều so với chuyện dẻo và việc dẻo quá mức bản thân nó có thể mang lại vấn đề). Trong tình huống này, ai mà không muốn là thành viên của câu lạc bộ dẻo?

“Dẻo” không phải lúc nào cũng là cách mô tả rõ ràng và chính xác khi đưa ra những lựa chọn tư thế. Dẻo như thế nào? Ví dụ: hông và cơ gân kheo của tôi rất mở nhưng cơ đùi trước (cơ tứ đầu) và bắp chân của tôi rất chặt. Tôi có thuộc về nhóm người “dẻo” không? Và đôi lúc lựa chọn đưa ra “nếu bạn dẻo hơn” chả liên quan mấy đến độ dẻo mà phần nhiều là do tỷ lệ cơ thể. Một học viên có chân ngắn và thân mình dài một cách tự nhiên sẽ dễ dàng chạm sàn trong tư thế đứng gập trước. Một học viên có cánh tay dài hơn sẽ tự nhiên dễ dàng đặt bàn tay trên sàn hơn trong tư thế Staff Pose (Dandasana).

Thay vì đưa ra lựa chọn cho người “dẻo” và “không dẻo”, liệu có thể đưa ra những sự lựa chọn liên quan cụ thể hơn đến tư thế mà không có ẩn ý về việc cái này tốt hơn hoặc chuẩn xác hơn cái kia? Ví dụ: “Nếu tay bạn không chạm sàn, đừng lo! Bạn có thể đặt khối bên dưới để giúp đưa sàn lại gần bạn hơn.”

5. “VẮT HẾT CHẤT ĐỘC,” “ÉP HẾT CHẤT ĐỘC,” “TOÁT MỒ HÔI THẢI ĐỘC,” BẤT CỨ CÁI GÌ VỀ CHẤT ĐỘC.
Trước đây tôi đã viết và đăng bài về việc tại sao việc cho rằng toát mồ hôi hoặc vặn xoắn ra hàng đống chất độc trong lớp yoga nghe không thật mang tính khoa học lắm. Nhưng gạt sang một bên vấn đề không mang tính khoa học, có một lý do khác khiến tôi không còn thực sự thoải mái với việc nói về chất độc trong lớp yoga nữa.

Ở mức độ tinh tế hơn, nếu chúng ta là những giáo viên thường xuyên nói về việc cơ thể học viên của mình “độc” thế nào, thông điệp chúng ta đang thực sự gửi đến ở đây là gì? “Cơ thể của bạn béo phị, không tinh. Độc Hại. Nó cần được thanh lọc, Sửa Chữa.” (Thường bằng những sản phẩm hoặc dịch vụ đắt đỏ.) Và tôi biết rằng đối với một số người điều nay nghe có vẻ như một sự suy diễn – như tôi có thể quá nhạy cảm. Nhưng cách mà tôi nhìn nhận điều này, trong khi bản thân sự có mặt gia tăng của những chất độc môi trường chắc chắn là một vấn đề quan trọng cần giải quyết, thì việc liên tục marketing những cách thức có liên quan đến yoga để “thải độc” cũng cần phải bàn đến.

Chúng ta sống trong một nền văn hóa khi mà chúng ta (cụ thể là những người phụ nữ) luôn được bảo rằng cơ thể của chúng ta thô, béo, và chúng ta phải chi tiền cho hàng đống thứ tào lao để làm chúng “bớt thô” (mọi thứ từ thanh lọc bằng nước hoa quả đến phẫu thuật thẩm mỹ tầng sinh môn – labiaplasties). Là một giáo viên và cũng là một học viên, tôi muốn lớp yoga của mình là một thiên đường an toàn để tránh những điều này, là một nơi để ai cũng cảm thấy mình được chấp nhận. Để gửi thông điệp đến học viên rằng cho dù họ chưa hề một lần được tập bài chào mặt trời với mướt mải mồ hôi hoặc chưa từng niệm âm “Om” trong đời, họ là “đủ” với chính mình. Để giới thiệu yoga như là một điều chúng ta làm bởi vì nó khiến ta cảm thấy tốt, một món quà mà ta mang đến cho chính mình xuất phát từ tình yêu với cơ thể mình, không phải là thứ ta trừng phạt bản thân vì chúng ta đang cảm thấy mình thô kệch.

6. “BƯỚC RA NGOÀI VÙNG AN TOÀN.”
Bước ra ngoài vùng thoải mái có thể là một điều tuyệt vời. Thực tế, tất cả những trải nghiệm được yêu thích nhất của tôi đều là kết quả trực tiếp từ việc bước ra ngoài vùng an toàn. Và trong lớp yoga? Bước ra ngoài vùng an toàn đã cho tôi những khoảnh khắc tuyệt vời dễ bị nản chí nhưng làm thay đổi việc tập luyện của tôi. Là một giáo viên, mục đích của tôi là tạo một môi trường an toàn, được hỗ trợ để học viên bước ra ngoài vùng thoải mái nếu họ lựa chọn. Nhưng nhiệm vụ của tôi không phải là tạo áp lực để người khác làm điều mà họ không thoải mái, hoặc thậm chí giả định là tôi biết đâu là hoặc không là “vùng an toàn” của họ. Rốt cuộc thì, cuộc sống đã đủ khắc nghiệt, đủ không thoải mái và lớp yoga là để mang lại cho nhiều người khoảnh khắc nghỉ ngơi hiếm hoi và thực sự cần thiết.

Trong những năm trước đây, tôi thường yêu cầu học viên những việc như đi quanh phòng nhìn vào mắt nhau, hoặc “bắt cặp” nhiều lần trong lớp – hoạt động mà thậm chí bản thân tôi cũng không thực sự thích nhưng tôi nghĩ là cần thiết để “tạo điều kiện phát triển.” Bạn biết đấy, để “đưa học viên ra khỏi vùng an toàn.” Khi bản thân tôi được yêu cầu làm điều này trong lớp, đôi khi chúng trở nên hữu ích (tôi thậm chí làm bạn được với một hai người theo cách này), nhưng những lần khác, chúng chỉ làm tôi thấy lo lắng, hoang mang – như “hey, đây không phải là điều tôi đăng ký, tôi chỉ muốn tập yoga”, và tôi dường như không muốn quay lại lớp yoga nữa. Tôi xin lỗi nếu nỗ lực của tôi nhằm khuyến khích người khác ra khỏi vùng an toàn đã làm bất kỳ ai cảm thấy họ không muốn quay lại lớp yoga nữa.

Điều tương tự có thể xảy ra đối với việc thử những asana khó. Cảm giác an toàn, tự tin và được ủng hộ cũng quan trọng như sự chuẩn bị về thể chất khi khám phá những tư thế mới và thách thức

Khi tôi trưởng thành là một giáo viên có kinh nghiệm và tự tin hơn, tôi nhận ra rằng tôi không cần phải kết hợp những bài tập theo cặp vào mọi lớp chỉ bởi vì tôi được bảo đó là một ý tưởng hay tại một buổi workshop hay khóa đào tạo. Và khi soạn bài, thay vì băn khoăn về việc “nên” dạy gì, tôi tập trung vào việc dạy lớp theo cách mà bản thân tôi thực sự muốn tham gia: một lớp mà tôi cảm thấy được khuyến khích mở rộng giới hạn của mình mà không cảm thấy bị áp lực phải làm điều gì đó mà không cảm thấy an toàn.

Các bạn giáo viên, học viên, bạn còn điều gì bổ sung vào danh sách này không? Hãy cho tôi biết trong phần bình luận bên dưới. Hãy trao đổi!

Nguồn _Yoga International

Dịch _ Hương Nguyễn