“Khi ở trong dòng chảy, tất cả những gì ta phải làm chỉ là phiêu diêu bước ngang căn phòng. Ta cảm thấy tự tin khi được kết nối với trái đất và hòa hợp với nhịp điệu, chu kỳ và tâm trạng của cô ấy”

– Gabrielle Roth.

Vì sao tiếp cận yoga theo một phong cách nữ tính hơn?

Yoga là một hệ thống cổ xưa được tạo ra bởi đàn ông cho đàn ông. Theo truyền thống, phương pháp thực hành này được trao truyền từ vị thầy nam giới này sang đệ tử nam giới khác. Dẫu vậy, ngày nay đa phần giáo viên và người luyện tập yoga trên thực tế lại là phụ nữ. Vậy thì tại sao ta vẫn cố chấp luyện tập yoga như những người đàn ông?

Có quá nhiều giáo viên và học viên yoga nữ đang luyện tập một thứ yoga mang tính nam, “yang” nhiều hơn, và điều đó không phục vụ cho những nhu cầu đặc biệt của người nữ chúng ta. Khi phụ nữ nhớ ra rằng họ vốn sống theo chu kỳ, họ sẽ còn thực hành yoga tốt hơn: Kích thích tố tiết ra mạnh mẽ trong suốt chu kỳ hàng tháng cũng như xuyên suốt cả vòng đời của ta – từ lúc bắt đầu có kinh nguyệt tới tận khi mãn kinh –  và việc này tác động đến ta về cả sinh lý lẫn tâm lý. Vậy nên, việc thực hành yoga có thể hỗ trợ chúng ta nhiều hơn nếu như nó cũng phản ánh được những sự thay đổi này.

Một cách tiếp cận thiên nữ tính cho yoga có nghĩa là chuyển động nương theo, không phải chống lại dạ con, khi chúng ta học cách tận dụng các công cụ của yoga để giúp bản thân trải nghiệm một góc nhìn mới mẻ, phi tuyến tính, phản hồi thật nhạy bén đối với những chu kỳ trong đời sống đặc thù của người nữ. Theo cách này, chúng ta khám phá ra rằng mỗi lần ta bước lên thảm thì sự thực hành đều có thể khác biệt. Và ta có thể tăng cường sức khỏe, niềm vui sống, cũng như tăng kết nối với thân thể và với những chu kỳ tự nhiên.

Những giai đoạn trong đời một người phụ nữ

“Khi bắt đầu có kinh nguyệt, người phụ nữ trẻ bước vào quyền năng của cô ấy, xuyên suốt những năm có kinh nguyệt cô ấy thực hành quyền năng của mình, và khi mãn kinh cô ấy trở thành thứ quyền năng đó”

Châm ngôn người châu Mỹ bản địa.

Chuyển động cùng Trăng của bạn

Giai đoạn đầu tiên và thường là giai đoạn dài nhất trong cuộc đời một người phụ nữ gói trọn trong những năm có kinh nguyệt. Một phụ nữ có thể hành kinh xấp xỉ 400 lần trong suốt thời kỳ sinh sản. Hầu hết phụ nữ đều hiểu từ kinh nghiệm cá nhân rằng tâm trạng và mức độ năng lượng của họ sẽ biến động nhiều đến thế nào trước, trong, và sau kỳ kinh. Vì vậy học cách “Chuyển động cùng Trăng” – tận dụng việc luyện tập yoga để hỗ trợ và phản chiếu sự tròn đầy và khuyết dần của tử cung khi nó sáng dần lên và sau đó tắt đi trong một vòng tròn bất tận –  có thể giúp chúng ta thực sự yêu thương thân thể và chu kỳ của mình thay vì cứ bực bội về một chu trình không thể tránh khỏi. Ví dụ, khi bạn đang có kinh và đây là thời điểm mà năng lượng rớt xuống thấp một cách tự nhiên, nếu bạn thực hành một cách nữ tính hơn, “chuyển động theo trăng” sẽ giúp bạn ý thức tránh những tư thế năng động (bao gồm các tư thế đảo ngược), thay vào đó là những bài luyện tập rất nhẹ nhàng và mang tính phục hồi hơn. Trong khi đó, khi bạn đang rụng trứng hay chuẩn bị rụng trứng, đây là thời điểm mà năng lượng đang tích tụ mạnh trở lại, bạn có thể đạt được lợi ích một cách tự nhiên từ các bài tập năng động, mạnh mẽ. Trên thực tế có bốn giai đoạn năng lượng trong chu kỳ kinh nguyệt của chúng ta (tương ứng với các giai đoạn của mặt trăng) mà tôi khuyến khích các bạn có thể điều chỉnh việc luyện tập của mình theo những cách thức cụ thể như vậy.

Phần thưởng kèm theo đó là, nếu một người phụ nữ dành thời gian điều chỉnh nề nếp thực hành yoga (và mở rộng hơn là những kỳ vọng của bản thân cô ấy trong sinh hoạt hằng ngày) sao cho nó hưởng ứng với năng lượng trôi chảy, tăng giảm tự nhiên hàng tháng, thì cô ấy sẽ tạo được một nền tảng giúp mình sống vững vàng, quản lý được sự thay đổi đi cùng những dấu mốc lớn lao trong đời như mong thai, có thai, sinh nở, làm mẹ, và thời kỳ mãn kinh sau này.

Tạo ra một không gian sinh dưỡng

Sau nhiều năm trưởng thành mà cố gắng tránh thai, một người phụ nữ có lẽ đã tới thời điểm chuyển tiếp, khi cô ấy quyết định mình đã thực sự sẵn sàng mang thai. Một giai đoạn mới bắt đầu – trước thụ thai. Đây chính là lúc một phong cách yoga nữ tính, tập trung vào khả năng thụ thai có thể hỗ trợ phụ nữ theo rất nhiều cách trong suốt hành trình tới thai kỳ.

Cần lưu ý rằng việc tập yoga quá năng động, quá “yang” thực chất có thể phản tác dụng, vì nghiên cứu chỉ ra tập luyện mạnh bạo có thể liên quan tới việc khó thụ thai. Trong suốt giai đoạn này, sự thực hành yoga nên tập trung vào các bài tập nhẹ nhàng, mang tính nuôi dưỡng giúp “tưới tẩm” cho tính “yin” tự nhiên, sự nữ tính của người phụ nữ; tạo ra một “không gian dạ con” dễ tiếp nhận; dung dưỡng cơ quan sinh sản; chuẩn bị cho cơ thể, tâm trí, cảm xúc của người phụ nữ sẵn sàng cho thai kỳ và làm mẹ.

Yoga cho hai người

Khi người phụ nữ chủ đích thụ thai thành công, hoặc thụ thai không dự định, cô ấy bước sang một giai đoạn ngắn, dữ dội và rất thiêng liêng của quá trình thai nghén và sinh nở. Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong đời, cô ấy trở nên có cảm hứng chủ động tìm kiếm các phương pháp, như yoga, nhằm hỗ trợ và tăng cường sức khỏe, niềm vui sống để dành cho đứa con sắp chào đời cơ hội tốt nhất. Với nhiều phụ nữ, yoga bầu có thể là sự mở đầu đối với yoga, dẫn dắt họ đến một mối quan hệ bền lâu với truyền thống thực hành thân – tâm cổ xưa này.

Lợi ích của yoga bầu là rõ ràng. Nhiều bác sĩ và nhà chăm sóc sức khỏe khuyến nghị yoga như một phương pháp an toàn và hiệu quả để hỗ trợ phụ nữ trong suốt thai kỳ, cũng như để chuẩn bị cuộc vượt cạn khó khăn. Thêm nữa, yoga bầu có thể giúp phụ nữ có kết nối sâu hơn với em bé sắp sinh, tạo ra một hiệu ứng chung giúp em bé cũng vui khỏe. “Nếu có được sự giao tiếp đầy đủ, phong phú và quan trọng hơn cả, tràn đầy tính hàm dưỡng, thì cơ hội rất cao là em bé sẽ khỏe mạnh, hạnh phúc và cứng cáp”, theo bác sĩ Thomas Verny trong cuốn sách nổi tiếng của ông “Cuộc sống bí mật của Em bé chưa chào đời”.

Trong thời gian mang thai, nếu người phụ nữ có thể bỏ đi yếu tố bản ngã hay tính “yang” trong tập luyện yoga, thay vào đó luyện tập với một thái độ mềm mỏng, quy thuận và chú trọng tính nữ hơn, cô ấy sẽ được trao cho một cơ hội đặc biệt để có được một hiểu biết mới: mẹ bây giờ đang rèn luyện yoga cho hai người. Nói theo cách khác, nó không còn là câu chuyện của mình cô nữa. Lúc này sự thực hành trở thành một điều gì đó rất thiêng liêng trong sự đơn giản, tập trung hướng nội và có lẽ, vượt ra khỏi thảm tập và bước vào đời sống của cô, thấm đẫm tinh hoa của triết lý yoga – ý tưởng về “ishvara pranidhana”. Có nhiều cách phiên dịch cho khái niệm này đã xuất hiện nhiều lần trong kinh văn yoga cổ, cuốn “Kinh Yoga Sutras”. Trong bối cảnh này, nó mang nghĩa “quy thuận trước dòng chảy của vũ trụ, hay trước cái thiêng liêng”. Thể loại yoga tập trung vào tính nữ thích hợp sẽ giúp người phụ nữ cảm thấy dễ chấp nhận hơn với nhiều thay đổi xảy ra trên cơ thể và cảm xúc trong suốt thai kỳ. Nó cũng sẽ hỗ trợ chuẩn bị cho sự hoàn toàn buông bỏ rất cần thiết trong lúc sinh nở. Bên cạnh đó, triết lý yoga giúp cho cô tu dưỡng một thái độ tích cực hơn đối với những thay đổi không thể tránh trong cuộc sống khi cô gái trở thành một người mẹ. Sau cùng, yoga dạy chúng ta về quy thuận và buông bỏ mọi kỳ vọng về việc mọi thứ “cần phải” xảy ra thế nào trong thai kỳ và sau đó.

Nâng niu người nuôi nấng 

Ở một khía cạnh nào đó, có một giai đoạn thường vẫn hay bị xem nhẹ trong cuộc đời người phụ nữ là giai đoạn sau khi cô ấy có con và đối mặt với những thử thách của việc làm một người mẹ trẻ. Xã hội thường chú ý rất nhiều tới phụ nữ có thai và sinh nở, và giai đoạn bắt đầu làm mẹ thì hay bị bỏ quên. Cộng thêm việc thiếu ngủ quen thuộc khi mới sinh xong, người phụ nữ có thể cảm thấy cô đơn, bị tách biệt và lo lắng đối với những trách nhiệm mới. Cơ thể sau sinh và cả khi sinh đều trong trạng thái dễ tổn thương và yếu ớt. Đây là lúc mà yoga sau sinh và niềm vui của yoga dành cho mẹ và bé sẽ mang đến nhiều lợi ích tích cực cho phụ nữ, nâng đỡ cô ấy trong giai đoạn chưa từng xảy ra trong đời, kể từ lúc cô mang trách nhiệm đối với một sinh mệnh bé nhỏ khác.

Triết lý ở đây nằm trọn trong việc “nâng niu người nuôi nấng” – củng cố lại sức mạnh, năng lượng thể chất và cảm xúc bị kiệt quệ của một người phụ nữ, từ đó cô ấy có thể tiếp tục chăm sóc cho con mình và gia đình. Yoga có thể trở thành một thứ bảo hiểm – một khoảng trú ẩn ngắn ngủi trong ngày mà người phụ nữ được trao quyền để chỉ tập trung chăm lo cho chính cô ấy. Hay, nếu là yoga dành cho mẹ và bé, đó sẽ là cơ hội để chia sẻ niềm vui yoga với em bé và làm sâu sắc thêm liên kết tình mẫu tử. Các lớp học yoga “Mums n Bubs” tạo ra một cộng đồng tương trợ giữa các mẹ để trao đổi kinh nghiệm và làm giảm bớt cảm giác chia cắt có thể nảy sinh từ kiểu hình xã hội cấu trúc gia đình hạt nhân.

Người phụ nữ thông thái

Sự chuyển tiếp quan trọng sau cùng của một người phụ nữ là mãn kinh, hay theo cách tôi thích gọi là “Giai đoạn của người phụ nữ thông thái”. Đối với nhiều phụ nữ, đây là giai đoạn chuyển tiếp rất gồ ghề, kéo dài hàng năm trời, thường được mô tả với nhiều triệu chứng tâm sinh lý bất ổn.

Thời gian dẫn tới chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng, khi cơ thể ngừng rụng trứng hẳn, có thể kéo dài từ 2 đến 15 năm, nó được gọi là “tiền mãn kinh”. Trong thời kỳ Tiền mãn kinh, nhiều phụ nữ vẫn chưa hiểu biết nhiều về nó, cơ thể chúng ta trải qua một vũ điệu đầy hỗn loạn của hoóc-môn. Khi đó khuôn mẫu thông thường của chu kỳ kinh có thể trở nên dữ dội hơn và ta có thể trải qua hàng loạt triệu chứng phiền hà bao gồm chảy máu nhiều, rối loạn chu kỳ, mệt mỏi, trầm cảm, cáu kỉnh và mất ngủ – đó là một vài triệu chứng điển hình!

Yoga có thể hỗ trợ phụ nữ trong suốt giai đoạn thường dễ hoang mang này khi một lần nữa mọi chuyện trong đời sống lại thay đổi – không chỉ bằng cách giúp cân bằng lại hoóc-môn hay nuôi dưỡng hệ thần kinh mà còn cung cấp thêm những công cụ để phụ nữ chấp nhận và buông xả trước sự biến đổi của cơ thể và cảm xúc.

Nếu như, trong những năm có kinh nguyệt, chúng ta đã theo sát chu kỳ hàng tháng với “chuyển động cùng trăng” và ứng dụng thực hành yoga theo từng giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt thì ta đã có được một khuôn mẫu sống sẵn sàng và lúc này chỉ cần chuyển tiếp sang giai đoạn mới. Ta cũng có thể tùy ý sử dụng các công cụ yoga để hỗ trợ trong giai đoạn tiền kinh nguyệt dữ dội hoặc kéo dài, hay các đợt chảy máu nhiều đến đáng lo thường xảy ra trong thời kỳ tiền mãn kinh. Thậm chí ngay cả sau mãn kinh, khi phụ nữ không còn rụng trứng và có kinh nguyệt nữa thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục thực hành thiên về nữ tính theo các giai đoạn tròn khuyết của trăng. Theo phương pháp này, chúng ta có thể giữ kết nối với những chu kỳ vang vọng lại của cơ thể nữ tính và của tự nhiên, từ đó duy trì một nhịp điệu từ bên trong giúp hỗ trợ bản thân khi ta chuyển sang “Mùa đông” của đời mình.

Những nguyên tắc của Tập luyện Nữ tính

Có 3 nguyên tắc chủ yếu xuyên suốt những giai đoạn sống của phụ nữ sẽ dẫn dắt chúng ta áp dụng một lối tập yoga nuôi dưỡng tính nữ như sau:

Ahimsa

Nguyên tắc đầu tiên về yoga nữ tính là “Ahimsa”.

Khi ta từ chối dành thời gian chăm sóc cho cơ thể, cảm xúc và tâm trí với tình yêu và sự tôn kính, chúng sẽ quay lại nhắc nhở ta – một cách không tử tế lắm – bằng cách không phản hồi mỗi khi ta cần đến chúng. Khả năng suy nghĩ thông suốt của ta giảm đi. Ta trải nghiệm buồn bã và trầm uất. Sau một thời gian thân tâm không thoải mái thì bệnh tật bắt đầu đến. Thế rồi, chúng ta bị buộc phải săn sóc lại bản thân… Nếu như ta tự nguyện chăm sóc cơ thể trước khi nó có bệnh thì sẽ thoải mái và vui vẻ hơn. Tình yêu dành cho chính mình là tình yêu dành cho tất cả.”

Nischala Joy Devi.

Ahimsa là một giới luật đạo đức quan trọng từ kinh Yoga. Ahimsa bắt nguồn từ hai từ: “a” nghĩa là “không”, và “himsa” nghĩa là “làm tổn hại”. Vậy nên nó có nghĩa là “không làm hại”, hay theo nghĩa đen là “không bạo lực”. Từ khi còn nhỏ, chúng ta được in sâu trong tâm trí tư tưởng rằng làm đau người khác là không được xã hội và đạo đức chấp nhận. Tuy vậy, ta không được giáo dục đầy đủ về tầm quan trọng của việc đối xử tử tế với chính mình. Đối với phụ nữ, điều này có lẽ còn thật hơn nữa; chúng ta là những người nuôi dưỡng xã hội của mình và thường lại quá bận bịu chăm lo cho những người khác hơn là chăm lo cho bản thân. Thi thoảng, ta chỉ nhận ra sự quan trọng của chăm sóc bản thân khi mình trở nên ốm yếu hay bị tổn thương: một dấu hiệu cảnh báo từ cơ thể đòi hỏi được ưu tiên nhiều hơn mức ta vẫn thường làm.

Như tôi đã đề cập, thường chỉ khi một người phụ nữ mang thai, cô ấy mới bắt đầu có ý tưởng về việc chăm sóc bản thân một cách nghiêm túc. Và việc này chỉ trong một quãng thời gian ngắn khi cô ấy đang nuôi em bé trong dạ con của mình. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu như người phụ nữ đặt được một thói quen chăm sóc bản thân thật chu đáo trước khi mình có thai và tiếp tục duy trì việc đó khi cô chuyển sang vai trò làm mẹ như một nền móng của việc gìn giữ bản thân.

Khái niệm yêu thương bản thân là nguyên lý bao trùm bậc nhất cho Yoga nữ tính, dù ta đang ở độ tuổi hay giai đoạn nào trong đời. Nói một cách lý tưởng, một khi chúng ta thực sự thấm nhuần tư tưởng chăm sóc và yêu thương bản thân, ta sẽ chủ động thực hiện nó trong cuộc sống, để nó biến thành một thói quen thường ngày chứ không chỉ là hành động sửa chữa bản thân khi có điều gì đó đang sai. Nói như Liz Koch, chuyên gia về cơ thắt lưng chậu và nhà trị liệu soma:

“Những gì ta cần là mở rộng sức chứa lớn hơn để gia tăng khả năng tận hưởng niềm vui sống. Cảm thấy tốt là gì? Cho phép cả hệ thống trở nên thông minh hơn, dẻo dai hơn là gì? Hầu hết chúng ta không có được ý niệm này. Ta chỉ có ý niệm về việc phải làm điều gì đó để thoát khỏi nỗi đau. Ta không làm việc đó vì nó mang lại sự sung sướng; hay vì nó mang lại cảm giác yên ổn, an dưỡng. Ta không biết làm cách nào để nuôi dưỡng bản thân, bằng chuyển động cũng như qua cách ăn uống. Vì vậy, các bạn đang học cách chăm sóc bản thân mình, để tiếp tục hành trình khám phá về sự nuôi dưỡng”

Các công cụ yoga giúp chúng ta tích hợp Ahimsa trong sự nữ tính của mình, “chuyển động cùng dạ con” bổ sung tính thư giãn và thiền định vào thực hành, cũng giống như Yoga phục hồi. Ahimsa-trong-hành động bao hàm sự khéo léo điều chỉnh theo những nhu cầu cơ thể hàng ngày, hàng tháng sao cho ta chỉ luyện tập theo một cường độ phù hợp cho sự phát triển bản thân tại thời điểm đó. Đó chính là khi chuyên tâm luyện tập tại nhà hơn là lúc nào cũng tham gia các lớp tập nhóm, có thể thực sự giúp ta học được cách thấu hiểu và phản hồi một cách nhạy bén với những nhu cầu của riêng cá nhân.

Sống theo những nguyên tắc chính mà triết lý yoga truyền đạt về cách ta đối xử với chính mình và với những người khác ở bên ngoài thảm tập, cũng chính là một cách hữu hiệu để thực hành Ahimsa. Ví dụ, phát triển sự tỉnh thức xung quanh những dự định, suy nghĩ và hành động của chúng ta – liệu rằng chúng có tốt đẹp không? Có cần thiết không? Và tương tự, hãy học cách chấp nhận bản thân một cách lặng lẽ khi chúng ta lúc nào cũng “rớt xuống” và hành xử không tử tế hay không thỏa đáng với chính ta hay người khác. Sau cùng, thực hành “yoga ngoài thảm tập” khi chúng ta dự định sống tỉnh thức và thanh thản hết mức có thể cũng rất tương đồng như luyện tập “yoga trên thảm”. Đó là sự thực hành. Và đó là việc quan trọng nhất cần nhớ khi bạn thất bại. Mà thực chất là bạn sẽ! Hãy quay lại chiếc thảm “ẩn dụ” của bạn và bắt đầu lại. Những thử thách thường trực của việc làm mẹ đã dạy tôi điều đó một cách sâu sắc! Tha thứ và từ bỏ phán xét là toàn bộ cách thức mà ta có thể ứng dụng triết lý Ahimsa vào trong đời sống thường nhật.

Apana

Nguyên tắc chính thứ hai của việc thực hành nữ tính là khái niệm “Apana”. Theo triết lý yoga cổ đại và Ayurveda (môn khoa học chị em với yoga), có năm “vayus” hay “dòng năng lượng” chi phối các chức năng cơ thể và khía cạnh tồn tại khác nhau. Năm dòng khí này đều cần phải được cân bằng để đảm bảo cho chúng ta có một sức khỏe tối ưu và dồi dào sinh lực. “Prana Vayu” là năng lượng nằm ở vùng ngực và đầu, làm chủ cho cảm nghĩ và việc thu nhận, giúp nuôi dưỡng não và đôi mắt. Lực của Prana Vayu hướng lên trên, đẩy tới và thường được coi là năng lượng có phẩm chất “nam tính”. “Apana Vayu” thì ngược lại, mang phẩm chất của dòng chảy năng lượng “nữ tính”, đại diện bởi chuyển động hướng xuống, ngự tại vùng chậu, nuôi dưỡng các tạng thuộc vùng chậu. Năng lượng Apana khỏe mạnh – năng lượng chuyển động hướng xuống – là cần thiết trong việc hỗ trợ loại bỏ các chất cặn bã trong cơ thể, nhằm tránh sự mất cân bằng như táo bón hay tiêu chảy. Apana Vayu cũng có trách nhiệm đào thải các chất độc cảm xúc và tinh thần để bổ trợ cho sức khỏe thân – tâm toàn diện. Đặc biệt là với phụ nữ, quá trình kinh nguyệt và sinh nở đều do năng lượng Apana làm chủ và vì vậy, đây là một nguyên tắc quan trọng chi phối việc thực hành yoga theo một nền tảng thuận theo tính nữ.

Thêm nữa, bởi vì Apana là năng lượng nối đất, nó có thể giúp cân bằng lại “Vata”. Vata là một trong ba thể tạng Ayurveda, kết nối với nguyên tố Khí. Khi chúng ta dư thừa năng lượng Vata trong cơ thể, ta có thể cảm thấy lo lắng, “mông lung” và không chạm đất. Vì vậy sẽ rất hữu ích khi ta bồi dưỡng Apana Vayu những khi Vata dâng cao – đặc điểm của thời kỳ tiền mãn kinh, hay giai đoạn tiền kinh nguyệt hoặc các giai đoạn kinh nguyệt của chu kỳ hàng tháng.

Các công cụ yoga để khai thác sức mạnh của Apana và làm sâu sắc thêm giá trị trị liệu của thực hành yoga thiên nữ tính bao gồm các kỹ thuật thở như “Phép thở Apana”, các phép thiền định và quán tưởng nhất định, luyện tập kết nối đất, các tư thế trên sàn (ví dụ, Baddha Konasana – xem hình minh họa bên dưới) và các chuỗi bài tập như chuỗi cổ điển giải phóng cho khớp và  điều hòa tiêu hóa có tên “Pawanmuktasana”.

Tuần hoàn vùng xương chậu

Nguyên tắc hướng dẫn thứ ba cho thực hành yoga nữ tính là sự tuần hoàn của máu và năng lượng xung quanh tử cung và vùng xương chậu.

Sức khỏe và sinh lực của các cơ quan vùng chậu (như buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng) sẽ được cải thiện đáng kể khi máu huyết lưu thông tới vùng này mà không bị cản trở. Trong thực hành yoga thiên nữ tính, đặc biệt là khi chúng ta hướng tới cải thiện sức khỏe trong kỳ kinh hay khả năng sinh sản, việc lựa chọn các tư thế yoga giúp tăng cường tuần hoàn vùng chậu là quan trọng. Vì vậy ta nên đều đặn luyện tập bài “Các tư thế cổ điển dành cho phụ nữ” (theo cách gọi của tôi) như Baddha Konasana hay Upavista Konasana giúp thúc đẩy tuần hoàn cho khung chậu, sàn chậu và âm đạo. Các tư thế đảo ngược – bao gồm cả chủ động và thiên về phục hồi – đều hữu ích trong việc mang máu tươi cung cấp cho vùng xương chậu, cũng như các tư thế tạo ra “hoạt động bọt biển” tại khoang bụng chẳng hạn như các tư thế gập lưng nằm sấp như Salabhasana (tư thế Cào cào) hoặc các tư thế vặn xoắn.

Baddha Konasana

Upavista Konasana

Các cơ vùng chậu bị bó chặt có thể giới hạn tuần hoàn tự nhiên bên trong vùng chậu. Vì vậy, bằng cách sử dụng hơi thở, thực hành thư giãn, và các tư thế mang tính phục hồi để tạo ra không gian và độ mềm mại cho phần bụng dưới, chúng ta có thể giúp giải tỏa những căng thẳng tích lũy tại khu vực này.

“Đặc tính của dòng chảy năng lượng tại vùng xương chậu của phụ nữ, bao gồm dòng chảy tại mỗi buồng trứng, tử cung, và âm đạo tác động đến rung động toàn thể của một người phụ nữ. Giống như dinh dưỡng được rút ra từ đất là thiết yếu đối với sự phát triển của cây cối, dòng chảy của năng lượng vùng chậu đến vùng gốc của một người phụ nữ sẽ quyết định sức mạnh tính nữ của cô ấy.”

– Tami Lee Kent.

Nó không chỉ có lợi cho việc thúc đẩy tuần hoàn máu tại vùng xương chậu và bụng dưới, mà còn thúc đẩy dòng chảy năng lượng còn có tên “Shakti Prana”. “Prana” là năng lượng, hay sinh khí di chuyển bao quanh cơ thể chúng ta, và “Shakti Prana” là năng lượng nữ tính thiêng liêng hiện diện tại hai luân xa (trung tâm năng lượng) thấp nhất của cơ thể – Luân xa Gốc tại đáy chậu và Luân xa Xương cùng tại trung tâm xương chậu, nằm bên trong tử cung. Theo chuyên gia Ayurveda nghiên cứu về sức khỏe phụ nữ Maya Tiwari, Shakti Prana hoạt động kết hợp với năng lượng Apana để thúc đẩy quá trình sinh nở và sự chảy máu ở thành tử cung trong kỳ kinh nguyệt, và nó là nguồn năng lượng sống cho phụ nữ. “Shakti prana là sinh lực gắn liền với sự sinh sản của cơ thể; khi trong trạng thái cân bằng, nó bảo vệ sức khỏe của các cơ quan sinh sản, bộ phận sinh dục, tử cung, bụng và vú” – Maya Tiwari viết.

Bác sĩ, chuyên giả nổi tiếng về sức khỏe phụ nữ tổng thể đồng quan điểm rằng sự lưu thông của năng lượng vùng chậu là thiết yếu đối với sức khỏe nữ giới: “U xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, các bệnh về buồng trứng, và các rối loạn vùng chậu là kết quả từ sự tắc nghẽn năng lượng tại vùng chậu”.

Malasana

Các phương pháp để bồi dưỡng sự lưu thông tuần hoàn năng lượng Shakti Prana và củng cố sức mạnh của nó bao gồm thực hành các tư thế ngồi xổm, dẫn hơi thở có ý thức cùng với thực tập chánh niệm (sử dụng quán tưởng) tới khu vực xương cùng, xương chậu và đáy chậu.

Tôi hy vọng rằng bằng cách chia sẻ những nguyên lý cốt yếu này, đồng thời chỉ ra những cung bậc khác nhau trong cuộc sống khi chúng ta cần thay đổi cách thức thực hành yoga, bạn sẽ được truyền cảm hứng và tìm thấy cách thực hành yoga của riêng mình. Thứ yoga trân trọng nhu cầu độc nhất của riêng bạn như một người phụ nữ dù cho bạn đang ở bất cứ đâu trên cuộc hành trình của đời mình.


Tác giả: Ana Davis, là người sáng lập, giám đốc của trung tâm Bliss Baby Yoga, người có niềm đam mê luyện tập yoga theo cách của nữ giới, và hỗ trợ phụ nữ bằng yoga với mọi độ tuổi và giai đoạn trong đời.

Nguồn_ByronYogaCentre

Dịch_YogaVietnam