Ayurveda, có nghĩa “tri thức cuộc sống”, là y học cổ xưa của Ấn độ, được ghi chép lại trong kinh Vệ Đà bằng tiếng Phạn 5000 năm tuổi. Ayurveda là một hệ thống chữa lành dựa trên việc xem xét kỹ về thể tạng vật chất, bản chất cảm xúc, và phương diện tâm linh, tất cả được đặt trong bối cảnh vũ trụ hợp nhất. Theo triết lý Ayurveda, năng lượng cuộc sống vũ trụ hiển lộ dưới dạng 3 năng lượng khác nhau, còn gọi là doshas. Ba dosha đó là vata, pitta và kapha.    Mỗi con người chúng ta là một thể đặc biệt, là sự kết hợp của ba năng lượng này. Hầu hết tạng mỗi người chúng ta đều có một ít của một trong ba dosha, nhưng hầu hết chúng ta sẽ trội một hoặc hai dosha nào đó. Sự kết hợp đặc biệt của các dosha này đã được định đoạt vào lúc con người chúng ta được thụ thai từ cha và mẹ. Sự kết hợp này được xem như là một bản vẽ duy nhất, là bản chất (prakriti) của mỗi con người. Tỉ lệ của từng dosha trong chúng ta liên tục thay đổi tùy vào môi trường, thói quen ăn uống, mùa, thời tiết, tuổi tác và những yếu tố khác.  Khi tỉ lệ này thay đổi dẫn đến mất cân bằng, các dosha trội sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, mức năng lượng và tâm trạng của con người.

Ba Dosha

1. Kapha

Người có tạng Kapha trội là những người có thân hình to khỏe và bản chất yêu thích vận động thường xuyên để kiểm soát cân nặng của mình vì Kapha dễ bị tăng cân. Tạng Kapha trội chịu ảnh hưởng nhiều từ yếu tố đất và nước, nên họ có tính cách ổn định, từ bi và trung thành. Họ chuộng làm những việc có tính khoa học, qui trình và duy trì công việc và cuộc sống cá nhân với những cách thức quen thuộc. Khi trượt ra khỏi điểm cân bằng, họ dễ nản chí, bướng bỉnh và dễ bằng lòng với cái cũ cho dù lúc đó họ cần thay đổi. Sự trao đổi chất trong cơ thể của người Kapha thường chậm. Họ cũng không thèm ăn như người Vata hoặc Pitta. Chính vì bản chất này, sẽ tốt hơn cho người Kapha nếu họ thay đổi môi trường sống, gặp gỡ nhiều bạn bè mới, và thỉnh thoảng nhịn ăn.

2. Pitta

Yếu tố lửa là yếu tố trội trong người trội Pitta, vì vậy họ có cá tính mạnh mẽ, sôi nỗi nhưng cũng dễ cáu kỉnh. Người trội Pitta dễ nhận diện với thân hình vừa phải, dễ có cơ bắp săn chắc. Người Pitta dễ bị bắt nắng, bị ửng đỏ khi tập thể dục, khi được mát xa. Đây là những người có nghị lực và họ có khả năng làm tốt những gì họ cho là đúng. Dù làm hay chơi, họ đều thể hiện sự sôi nổi và tính cạnh tranh như nhau. Họ là những cá nhân có tố chất lãnh đạo, học nhanh, dễ nắm bắt kiến thức và thành thạo kĩ năng mới. Chính vì vậy, người Pitta dễ phán xét người khác và mất kiên nhẫn với những ai bị cho là chậm chạp và kém tập trung. Người Pitta tiêu hóa tốt, là người có sở thích ăn uống và thích chấp nhận thử thách. Nếu họ phải bỏ bữa, họ dễ cục cằn và có thể “ăn thịt” người nào đó. Pitta hay gặp những vấn đề sức khỏe như viêm, phát ban, mụn nhọt, và đi phân lỏng. Để cân bằng dosha, người Pitta nên học cách kiểm soát tính nóng nảy, chuyển năng lượng đó vào những việc tích cực và hiệu quả hơn và cũng nên học cách nhận diện năng lượng tiêu cực, “hủy diệt” của mình để biết cách điều chỉnh kịp thời.

3. Vata

Người trội Vata thường gầy và cao lêu nghêu. Họ là những người rất năng động về thể chất lẫn tinh thần. Họ thích những trải nghiệm sáng tạo, gặp gỡ bạn bè mới và đi đến những nơi chốn mới. Khi ở trạng thái cân bằng, người trội Vata rất uyển chuyển, có trí tưởng tượng sinh động, luôn nghĩ về  những ý tưởng độc đáo. Nhưng khi mất cân bằng, người Vata rất dễ lo lắng, khó hoàn thành công việc. Cơ thể họ thường bị lạnh và khô, nên họ rất thích thời tiết ấm và ẩm.  Người Vata thường bị chứng tay chân lạnh, táo bón, da khô, và khớp kêu răng rắc. Yếu tố khí trội ở người Vata, dẫn đến năng lượng, tâm trạng, cảm giác thèm ăn của người Vata thay đổi thất thường. Vì vậy người Vata thường ăn và ngủ không điều độ, hay lạm dụng thức ăn để kiểm soát bản thân cũng như uống những thức uống có chất kích thích như café, nước ngọt để duy trì hoạt động thể chất và tinh thần cao độ của mình.  Người Vata trội lại còn nhạy cảm thường gặp chứng mất ngủ và kháng thể kém.

Tạng trội hai dosha.

Tạng trội hai dosha là tạng phổ biến nhất ở con người, là khi chúng ta rõ rệt có những phẩm chất của hai dosha.  Những người tạng trội hai dosha được xem như là “phân thân”, theo nghĩa là tùy vào hoàn cảnh cụ thể mà một dosha nào đó sẽ chiếm ưu thế hẳn. Cách tốt nhất để kiểm soát tạng trội hai dosha này là nương theo mùa. Ví dụ, người tạng vata-pitta hoặc vata-kapha vào mùa thu (mùa của vata), bạn duy trì chế độ dinh dưỡng giảm vata. Ngược lai, vào mùa nóng, bạn duy trì chế độ dinh dưỡng giảm pitta và mùa lạnh ẩm ướt theo chế độ giảm kapha.

Tạng trội ba dosha

Đây là tạng người chịu sự ảnh hưởng ngang nhau từ 3 dosha.  Người tạng này có thể là người rất mạnh mẽ, ổn định và lại có khả năng thích nghi tốt khi ở trạng thái cân bằng. Nhưng khi mất cân bằng, sức khỏe của họ trở nên tồi tệ. Người tạng trội ba dosha cần hết sức nhạy cảm quan sát nhận biết những dấu hiệu mất cân bằng từ môi trường sống, cách ăn uống, cảm xúc, và nhanh chóng thực hành những phương thức giúp kháng lại những hậu quả mất cân Ví dụ, vào mùa thu, người trội ba này sẽ hành xử như người chỉ trội Vata (mùa thu là mùa của Vata) cần sinh hoạt, ăn uống để cân bằng những ảnh hưởng của tạng trội vata . Tương tự bạn nên áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng pitta vào mùa nóng và cân bằng kapha vào mùa lạnh.

Nguồn_ Yoga Journal