Số lần bạn kiểm tra điện thoại mỗi ngày có ý nghĩa sâu xa hơn bạn tưởng. Jufy Lief, giảng viên Phật học cho rằng sự xao nhãng là cái gốc của bản ngã, là cách chúng ta bảo vệ khỏi đau khổ cuộc đời lẫn ra khỏi không gian rộng mở của tâm thức tỉnh. Bạn thậm chí có thể nói rằng buông bỏ sự xao nhãng là con đường đi đến giác ngộ.

Xao nhãng xuất hiện mọi nơi, mọi lúc. Từ những thiết bị với màn hình bé tí, đến màn hình cỡ trung và những màn hình khổng lồ. Thay vì nhốt mình và quay mặt vào trong hang (như truyện ngụ ngôn của Plato) thì chúng ta tạo những hang động bé nhỏ và sống trong một thế giới đầy rẫy những hình ảnh chớp nhoáng nhưng thực chất là sự trống rỗng vô thực. Chúng ta đúng nghĩa loại bỏ thế giới thật của mình với tất cả sự xù xì thô mộc của nó, và nhét tất cả những gì ở trong thế giới ảo của các thể loại âm thanh, hình ảnh, video cho vào túi mang bên mình.

Chúng ta than phiền rằng chúng ta rất dễ bị làm cho xao nhãng. Nhưng đằng sau sự xao nhãng này thực chất là cái gì? Rất dễ để đổ lỗi vấn đề cho những thứ kích thích liên tục bên ngoài, nhưng những thứ bao quanh chúng ta đó chỉ là hiện tượng, không có gì hơn thế cả. Vật thể trong thế giới của chúng ta chỉ đơn thuần có mặt ở đó, hiện hữu như chúng đang là. Tiếng ồn chỉ là tiếng ồn, hình ảnh chỉ là hình ảnh, đồ vật chỉ là đồ vật, điện thoại chỉ là điện thoại, máy tính chỉ là máy tính, ý nghĩ chỉ là ý nghĩ.

Đây là lý do vì sao Phật pháp hay nói về tâm lang thang hơn về xao nhãng. Khi chúng ta nghĩ về từ xao nhãng, chúng ta hướng tâm ra ngoài và đổ lỗi cho những điều kiện bên ngoài cho sự bồn chồn của mình. Trong khi đó lúc chúng ta nghĩ về cái gọi là tâm lang thang, chúng ta nhìn vào bên trong để tìm ra nguồn gốc của vấn đề. Chúng ta nhận trách nhiệm về mình.

Tâm con khỉ

Sự thật là xao nhãng không bao giờ biến mất. Bạn có thể chạy trốn vào hang động và một mình ở đó, nhưng sự xao nhãng sẽ bám đuôi bạn bất cứ nơi nào bạn có mặt. Bạn không thể loại bỏ sự xao nhãng, nhưng với thiền định, bạn có thể thay đổi cách bạn phản ứng với chúng. Cũng như câu chuyện về vua Odysseus và những sinh vật đẹp đẽ quyến rũ ở đại dương, chúng sử dụng âm nhạc du dương và giọng nói mê hoặc để dụ dỗ thủy thủ rời khỏi tàu, trôi dạt đến những hòn đảo cho đến lúc chết. Để sống sót vua Odysseus đã tự trói mình vào cột buồm và ra lệnh cho thủy thủ của mình bịt tai lại.

Như những sinh vật quyến rũ, những thứ xao nhãng kéo chúng ta rời khỏi chiếc thuyền của mình. Bản thân từ “xao nhãng” đã mang ý nghĩa kéo ra khỏi. Khi bạn đang xao nhãng, bạn cảm giác như thứ gì đó bên ngoài đã nắm giữ sự chú tâm của bạn. Sự xao nhãng cũng có nghĩa là sự rời rạc, có nghĩa gốc Latin là “nhảy cóc”. Vì vậy một phương diện khác của xao nhãng chính là trạng thái đầu óc tứ tán, thần kinh chạy nhảy. Trong Phật giáo, chúng ta gọi đó là tâm con khỉ. Giải pháp cũng tương tự như cách vua Odysseus đã làm, chúng ta trói mình vào cột buồm kỷ luật với những phương thức của thiền tỉnh thức.

Thiền tỉnh thức, thường được biến đến là thiền an định, giúp chúng ta phát triển tâm an định và vững chãi. Phương pháp này mang lại sự tập trung và chú tâm mạnh mẽ hơn và cũng là cách thức hiệu quả để vượt qua được những xao nhãng thường ngày. Tuy vậy, việc ứng dụng thực tế của pháp thiền này chỉ là sự bắt đầu.

Một điều quan trọng cần nhận thức trong Phật pháp, việc chúng ta làm việc với xao nhãng hoặc tâm lang thang không phải chỉ để có thể tập trung hơn vào việc đang làm. Kiểm soát tâm trí tốt hơn để không bị xao nhãng làm cho xáo động chỉ là một cách thức xoa dịu ban đầu.

Chúng ta thường ưa thích các phương thức thực hành tâm linh không quá căng thẳng, những cách thức xác nhận những gì chúng ta đang làm và giúp chúng ta làm điều đó tốt hơn. Thay vì xem xét sự hiện hữu chân thật của mình, chúng ta ưa thích tìm đến thiền định như bài tập cải thiện bản thân, như đi đến phòng gym và tập thể dục. Chúng ta có thể tận hưởng sự thỏa mãn khi có cơ thể và tinh thần khỏe mạnh. Đây là điều tốt, nhưng nó không tiếp cận sâu sắc bản chất của sự xao nhãng.

Chúng ta có thể đối phó với sự xao nhãng khi xao nhãng xuất hiện, nhưng chúng ta cần nhìn sâu hơn. Chính xác là cái gì khích động sự phân tâm của chúng ta? Đằng sau bất tịnh đang diễn ra là gì? Bước vào con đường pháp đòi hỏi chúng ta phát triển sự dũng cảm để nhìn ra được những gì đằng sau sự phân tâm này. Việc này đòi hỏi chúng ta truy vấn sự xao nhãng là gì, chúng ta xao nhãng bản thân ra khỏi việc gì và tại sao. Trên con đường này, chúng ta cần gọt đi từng lớp một của xao nhãng cho đến khi chúng ta tới lớp cuối cùng.

Tâm tiêu khiển

Trong tâm lý Phật học, sự xao nhãng được phân loại cùng với sự lười biếng và việc mất chú tâm, là một trong hai mươi yếu tố khiến tâm bất định. Trong tiếng Phạn, yếu tố này gọi là vikshepa, tâm phân tán loạn động. Nó khởi lên khi dòng chảy tự nhiên của các nhận biết giác quan hợp lại và bị làm bại hoại bởi các cảm xúc. Nói một cách khác, sự xao nhãng được khích động bởi những tham muốn, chối bỏ và phủ nhận. Vì vậy sự xao nhãng không đơn giản là chứng tật thuộc tâm thần. Nó thật sự thuộc về cảm xúc. 

Mặc dù tâm phân tán loạn động thường được dịch nghĩa là “sự xao nhãng” hoặc “tâm lang thang”, sự xao nhãng nói cụ thể về tâm trí lang thang bị cuốn vào những đối tượng khiến chúng ta mất khả năng tập trung vào một đối tượng đúng đắn duy nhất. Vì vậy tên gọi này nói về một sự xao nhãng cụ thể, sự phân tâm ra khỏi những điều quan trọng, những điều chân thật và lẽ phải.

Cách mang tâm về lại khi tâm lang thang thật ra chỉ là cách đối phó: chúng ta học cách đáp trả sự xao nhãng. Nhưng khi chúng ta bắt đầu đáp trả sự xao nhãng từ bên ngoài hiệu quả hơn một chút rồi, chúng ta còn khám phá ra một núi xao nhãng nội tâm khổng lồ. Chúng ta bắt đầu nhận ra đây không phải chỉ là vấn đề phản ứng với thứ gì đó bên ngoài – thực chất chúng ta liên tục tạo ra sự xao nhãng. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần xao nhãng, vì vậy chúng ta liên tiếp nhào nặn chúng và giữ chúng tiếp diễn. Xao nhãng là người cận kề, là thú cưng của chúng ta.

Chögyam Trungpa Rinpoche gọi sự xao nhãng nội tại liên tiếp là “buôn chuyện vô thức”, một loại âm thanh vo ve của các ý kiến va suy nghĩ rời rạc.  Từ đây thầy nói về cái thầy cho là tâm tiêu khiển. Tâm tiêu khiển cần được khích động liên tục. Nếu không có sự xao nhãng tức thì, tâm sẽ sản xuất sự xao nhãng mới. Vì vậy chúng ta gắn kết vào một dự án xao nhãng liên tục, duy trì sự xao nhãng và tiêu khiển tiếp diễn không ngừng. Tại đây có một luồng không khí tuyệt vọng thổi vào những dòng chảy của sự xao nhãng tự tạo.

Chúng ta hy vọng nếu giữ sự xao nhãng này tiếp diễn, chúng ta sẽ không phải nhìn vào bản thân mình, chúng ta không cần cảm nhận những gì chúng ta đang cảm nhận, không phải nhìn thấy những gì chúng ta đang nhìn thấy. Nhưng hành trình tâm linh là một hành trình gỡ bỏ những màn khói này và đối diện với sự thật. Đây là một tiến trình gỡ bỏ mặt nạ. Việc nhận ra chúng ta đã phụ thuộc vào cơ chế này thật đáng sợ, và đáng sợ hơn khi chúng ta nhận ra rằng dự án xao nhãng liên tiếp này có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào.

Xao nhãng được nuôi dưỡng bằng sự tranh đấu của chúng ta để bảo vệ chính mình trong những mối liên hệ với người khác và với môi trường. Dự án này được nuôi dưỡng bằng nỗi sợ buông bỏ và thiếu vắng niềm tin vào chính bản thân. Nó diễn ra như thế chúng ta luôn canh gác, lo lắng đánh mất một cơ hội đánh trả và liên tục lo lắng về những đe dọa hoặc tấn công tiềm ẩn. Tâm trí của chúng ta bị giật dây bởi những cảm xúc này. Xét về cấp độ này của sự xao nhãng, chúng ta không những cần phải kéo tâm lang thang quay về mà còn cắt giảm nhiên liệu nuôi sự xao nhãng: những cảm xúc thúc đẩy.

Tâm trí tuệ

Làm việc với xao nhãng là một dự án lâu dài. Chúng ta có thể bắt đầu với một ý tưởng lung linh về việc khởi hành một hành trình tâm linh. Nhưng khi chúng ta duy trì thực hành, sự lung linh này sẽ dần phai mờ và chúng ta bắt đầu đuối sức. Chúng ta thấy mình ít chỗ trống để ngọ nguậy. Đây là một cú sốc khi nhận ra rằng chúng ta không thể chỉ trông chờ vào cái tôi cũ kĩ để thay đổi tình hình, mà phải thật sự bắt đầu lại. Nó giống như một đợt bán hàng lớn giải phóng tồn kho vậy. Tất cả sự xao nhãng và tiêu khiển – mọi thứ phải được giải phóng.

Khi tường thành xao nhãng bắt đầu sụp đổ, chúng ta đối diện với sự thất vọng và nỗi đau. Những giấc mộng và ảo tưởng của chúng ta bắt đầu bốc hơi. Chúng ta đi đâu cũng bị ném về lại với cái tôi của mình. Không thoát khỏi được. Với bất cứ thứ gì diễn ra, chúng ta đã quá quen thuộc với việc dệt nên một tấm lưới đầy những tình huống đan xen, chúng ta không thể nào neo được. Chúng ta đã không cam kết trọn vẹn với bất cứ thứ gì, trước đây lúc nào chúng ta cũng tìm được lối thoát. Nhưng giờ chúng ta bị mắc kẹt. Chúng ta phải đối diện với nỗi đau và thất vọng của chính mình.

Khi không có người cận kề,  chúng ta thậm chí không thể giữ ai bên cạnh – chúng ta phải đối diện với sự cô độc tột cùng. Không có gì để làm và không có gì để bám víu. Chúng ta cô độc, lẻ loi, đó là một sự trống trải. Những gì chúng ta đã từng dựa dẫm giờ đây là một sự giả mạo, một vở kịch do trí óc tạo nên. Chúng ta đâm sầm vào tường.

Nhưng khi chúng ta đến một điểm mà chúng ta không bao biện việc làm của mình được nữa hoặc không ép buộc những trải nghiệm của chúng ta tuân theo ý muốn được nữa, một điều gì đó sẽ đến. Chúng ta bắt đầu thả lỏng. Mặc dù ý tưởng từ bỏ hoàn toàn màn khói xao nhãng thật đáng sợ và đe dọa chúng ta, nếu chúng ta ở với trải nghiệm đó dù chỉ thêm một chút nữa thôi, màn khói kia sẽ bắt đầu xua tan và chúng ta có thể bắt đầu nhìn thấy một con đường mới hoàn toàn.

Huyền học Cơ đốc cho rằng bạn cần đi qua đêm tối của tâm hồn trước khi bước vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Điều này giống như ẩn dụ về ánh sáng cuối đường hầm. Không có đêm tối, không thể hòa hợp với Thiên Chúa, không đường hầm, không ánh sáng. Trungpa Rinpoche cũng bàn về ý nghĩa của giai đoạn phát triển này. Thầy dạy rằng khi học trò trở nên hoàn toàn tuyệt vọng, khi đó sự thực hành của anh ta sẽ mang anh ấy đến điểm từ bỏ hy vọng và nghĩ đến việc từ bỏ toàn bộ con đường này – ngay đó chính là điểm hành trình thức tỉnh thật sự bắt đầu. Đây chính là lúc những bài học bắt đầu hiệu nghiệm, không phải là lớp áo cái tôi cũng không phải sự tô điểm bề nổi mà là năng lượng chuyển hóa thâm sâu đi vào tận xương tủy chúng ta.

Cũng như Huyền học Cơ đốc giảng dạy, chúng ta cũng cần từ bỏ thế giới quen thuộc, bỏ tất cả lại đằng sau và đi vào sa mạc. Sa mạc ở đây chính là tâm trí của chúng ta. Tâm trí sa mạc là điều còn lại sau sự sụp đỗ của dự án xao nhãng liên tiếp.

Chúng ta có thể học được rất nhiều từ việc quan sát cách chúng ta dao động giữa xao nhãng hoặc tiêu khiển với sự tẻ nhạt. Tẻ nhạt có giới hạn của nó. Chúng ta cảm thấy chơi vơi, chúng ta vật lộn để tìm cách yên ổn bản thân. Có quá nhiều chỗ trống đế chúng ta lấp vào. Chẳng có gì xảy ra cả, chúng ta cần phải làm điều gì đó. Im ắng quá, có thứ gì đó không ổn.

Hãy chú tâm vào những phản ứng với sự tẻ nhạt. Điều này vô cùng ý nghĩa. Đây là sự thực hành sâu sắc. Và khi chúng ta cảm thấy phải làm gì đó với sự tẻ nhạt này, hãy ở với nó lâu thêm chút nữa. Hãy để bản thân bạn cảm thấy tẻ nhạt hoàn toàn. Bằng cách này, bạn có thể nếm được một chút thứ mà thầy Trungpa Rinpoche gọi là “sự tẻ nhạt điềm tĩnh”, một trải nghiệm mới mẻ, không níu giữ, không giả vờ, không vật lộn. Trong sự tẻ nhạt điềm tĩnh này, bạn cảm thấy sau cùng mình có thể buông bỏ gánh nặng của nỗ lực trở thành ai đó. Bạn có thể thoát khỏi dự án “Tôi”.

Thực hành sâu sắc hơn, chúng ta cần xem xét mức độ căn bản hơn của sự xao nhãng. Theo thuyết giảng Phật giáo Kim Cương Thừa, chúng ta thường khiến bản thân xao nhãng xa rời sự thức tỉnh. Chúng ta cố hữu xao nhãng bản thân khỏi những thách thức đối diện với trí tuệ sẵn có. Chúng ta xao nhãng bản thân ra khỏi sức mạnh của phút giây hiện tại, khỏi những bài học trực tiếp, và khỏi sự chân thật của chính chúng ta. Ngay lúc chúng ta vừa nhìn thấy một chút tiềm năng này, chúng ta hoảng sợ và chạy trốn. Chúng ta có thể làm việc với mối liên hệ với pháp, đầy cảm hứng và hoàn toàn trong khả năng. Nhưng khi khoảng cách thoải mái đổ vỡ và chúng ta đối diện với sức mạnh toàn vẹn của pháp, chúng ta tìm cách tạo ra xao nhãng ngay lập tức. Với hầu hết mọi người, mức độ xao nhãng này ít hay nhiều sẽ tiếp diễn. 

Xuyên suốt hành trình của một Phật tử, chúng ta làm việc với xao nhãng ở nhiều cấp độ. Thực tế xao nhãng và hành trình này đi song song với nhau. Bạn có thể xem sự xao nhãng, phân tâm là những người thầy tuyệt vời của bạn.

Như những vị thầy giỏi, xao nhãng trêu đùa chúng ta, khiến chúng ta chơi vơi. Chúng chen ngang những ý muốn của chúng ta. Thật kinh ngạc khi thấy chúng ta tiêu tốn bao nhiêu thời gian cho nó. Ở bất kỳ cấp độ nào, xao nhãng có thể gây khó chịu, thất vọng và khởi lên dù muốn hay không. Nhưng như những vị thầy giỏi, nó đẩy chúng ta tiến về phía trước. Ngay khoảnh khắc xao nhãng sinh ra, một cơ hội để đánh bật những dối trá đằng sau hiện tượng cũng sinh ra. Những dối trá đằng sau sự xao nhãng bất tận này là một tâm thức tỉnh vượt không gian.

Nguồn _ Lion’s Roar