“Mẹ ơi, con muốn thật xinh đẹp.”

Đây là những lời bạn chẳng bao giờ muốn nghe, đặc biệt là từ cô con gái 5 tuổi của bạn.

Ban đầu, tôi hơi bị nghẹn họng. Sau đó, với hàng chân mày căng như dây đàn, tôi nhìn vào đôi mắt con bé và nói, “Con yêu, con đã xinh đẹp rồi. Con luôn xinh đẹp, như cái cách của chính bản thân con.”

Rõ ràng là không bị thuyết phục, bé nói, “Không, con muốn đẹp hơn nữa cơ.”

Uhm, nếu như câu nói đầu của bé chưa đủ ám ảnh thì câu trả lời này rõ ràng có tác dụng đó.

Ham muốn được trở nên xinh đẹp hơn của con gái làm cho tôi suy nghĩ thật lâu. Dĩ nhiên, là một người mẹ tôi sẽ hơi thiên vị khi nói con bé được trời ban cho làn da bánh mật. Mái tóc có màu nâu đậm của cốc espresso với những lọn tóc quăn bông mềm cuộn tròn ngón tay tôi. Bé có đôi mắt nâu sâu thẳm mời gọi và hàng lông mi dài, dày. Cái mũi thon nhỏ và đôi môi có màu của những nụ hồng non. Khi bé cười, tiếng khúc khích trong trẻo và sâu lắng đến nỗi có thể làm tâm hồn đang thổn thức đau buồn nhất cũng phải buông tiếng cười.

Và đó, chỉ mới là dáng vẻ bên ngoài.

Bé có thể mới đây trốn sau lưng vợ chồng tôi khi chúng tôi gặp những người hàng xóm mới mẻ mà ngay sau đó đã đầu têu bày trò chơi trốn tìm với các bạn mới ngay khi chúng tôi đến khu vui chơi cộng đồng. Bé tò mò cách vận hành trên chiếc điện thoại của chúng tôi và sáng tạo ra những bộ thời trang bằng đất sét cho búp bê Barbie. Bé vật lộn với cha bất cứ khi nào có thể nhưng vẫn khóc khi nhớ đến cô bạn thân nhất, Cole Kitty, người đã rời xa bé mấy tháng trước.

Bé rất đẹp, từ hình thức cho đến tâm hồn

Điều làm tôi bối rối hơn nữa – khi biết con bé như vậy – là chúng tôi, ba mẹ bé, vẫn luôn công nhận bé là một đứa trẻ tốt bụng, mạnh mẽ, thông minh, hài hước và nhạy cảm. Chúng tôi chưa bao giờ im lặng, giấu trong lòng về những phẩm chất tốt đẹp của bé.

Vậy lý do gì gây khó khăn cho bé trong việc nhìn thấy vẻ đẹp bên trong mình?

Câu hỏi này ám ảnh giấc ngủ của tôi trong nhiều ngày. Một phần, vì tôi nhớ lại hoàn cảnh y như vậy của mình ngày còn nhỏ: tôi đã ước tôi trở nên xinh đẹp. Và tôi mất gần 40 năm để nhìn thấy vẻ đẹp thật sự của mình.

Khi còn bé, tôi có đôi má phúng phíng đi cùng chiếc cằm tròn. Tôi còn bị móm. Do đó, từ lớp 1 đến lớp 4 tôi phải đeo một hàm chỉnh nha ở hàm trên răng. Nó che phủ răng cửa của tôi với sắc hồng của Pepto Bismol và làm cho tôi nói chuyện khá ngọng ngịu. Ở giai đoạn trung học, xà đơn là kẻ thù của tôi, vì tôi chẳng thể nào nắm giữ vị trí quá 0.5 giây rồi cánh tay run lên bần bật và làm tôi trượt té từ thanh xà xuống sân tập gym ở trường.

Luôn tự hỏi về giá trị bản thân, tôi trốn mình trong những bóng râm ở bất cứ nơi nào, và hiếm khi phát biểu trong lớp. Tôi giữ lại những quan sát và ý kiến cho riêng mình và chỉ chia sẻ với quyển nhật ký.

Dĩ nhiên, cũng như con gái, tôi cũng có nhiều thứ khác hơn là những gì tôi chỉ nhìn thấy ở bản thân qua lớp màn tiêu cực tôi tự treo trước mắt lúc bấy giờ. Tôi đạt điểm cao trong suốt thời kì đi học và tốt nghiệp trong nhóm top 10% của lớp. Tôi cảm nhận được nỗi đau của người khác và luôn chủ động đưa ra lời giúp đỡ. Tôi nhảy nhót như thể không có ai đang nhìn và hát hò theo bất cứ bài hát nào phát trên radio. Bất công xã hội làm tôi nổi giận, và thông qua những bài viết của mình, tôi có thể trở thành giọng nói đại diện cho những ai bị kìm hãm bởi quan điểm sai lầm và thiếu hiểu biết, trong khi vẫn an toàn trốn bên dưới tấm chăn đỏ và chiếc áo khoác xám của mình.

Năm tháng trôi qua, năm tháng đi cùng với trải nghiệm và thông thái. Hiện giờ tôi đã có thể nhìn thấy vẻ đẹp làm nên tôi của ngày hôm nay. Vậy tại sao tôi lại không thấy giá trị bản thân trong suốt 30 năm đầu cuộc đời?

Câu trả lời cho câu hỏi này đến bất ngờ khi tôi xem chương trình nói chuyện TED talk bởi Brene Brown về sự dễ bị tổn thương. Thông qua nghiên cứu của cô, cô cho rằng để bỏ qua những suy nghĩ tự ti và chỉ trích bản thân, chúng ta trước tiên phải học cách thoải mái với việc dễ bị tổn thương.

Nghĩa là gì? Đối với hầu hết chúng ta, điều đó có nghĩa là chúng ta học cách nhẹ nhàng với bản thân khi phạm sai lầm. Mặc dù chúng ta là con người và việc phạm lỗi là một phần của trải nghiệm nhân sinh, nhưng thường bản năng đầu tiên nhất là cảm giác tội lỗi khi gây tổn thương cho ai đó hoặc thấy xấu hổ khi có chọn lựa sai. Chúng ta cảm thấy bị vạch trần, chúng ta muốn cuộn mình lại như một con nhím để bảo vệ bản thân khỏi những cảm giác gây tổn thương này.

Bên cạnh đó, khi chúng ta cảm thấy trần trụi về mặt cảm xúc như vậy, chúng ta chắc chắn nghĩ rằng sẽ có ai đó cạnh bên, gọi tên ta vì gây chuyện. Bao nhiêu người trong chúng ta vấp viên gạch vụn trên đường hoặc trượt trên băng một ngày mùa đông, rồi ngã uỵch xuống đất? Nếu bạn cũng như tôi, trước khi tự đứng dậy, kiểu gì bạn cũng nhìn xung quanh 360 độ trong vài giây ngắn ngủi để đảm bảo không có ai nhìn thấy cú ngã khi nãy của bạn.

Một cách vô ý thức chúng ta mong muốn không một ai thấy sai lầm của mình. Chúng ta không muốn những tâm hồn nhạy cảm, yếu đuối của mình bị quan sát. Chúng ta tự xây lên cảm giác xấu hổ và tội lỗi to lớn đến nỗi chúng ta cho rằng sự phán xét của người khác sẽ làm chúng ta thất nghiệp, không bạn bè và tệ hơn cả là chẳng có ai yêu thương.

Do đó, chúng ta ưu tiên những lời chỉ trích và cố gắng tránh những “vết cắn” của chúng. Chúng ta lu loa về vết cà phê nhỏ trên quần khi bước vào xe lúc 6h sáng. Chúng ta tiếc nuối khi mặc đi mặc lại cái áo kiểu màu hồng có hoa đen 3 tháng trước buổi tiệc tốt nghiệp của em gái. Nhưng, sự thật là, có bao giờ chúng ta để ý rằng cảm giác thiếu an toàn của chúng ta, điều mà những người đồng nghiệp, gia đình, bạn bè hoặc người lạ đi ngang qua ở bãi giữ xe, trong siêu thị sẽ chẳng bao giờ thấy được. Mà nếu họ có thấy, họ có quan tâm không? Tôi nghĩ là không.

Vệt cà phê, cú ngã, nếp nhăn và cả cọng tóc bạc là một phần của sự sống. Những người bạn, anh chị và thậm chí cả sếp của bạn cũng mặc đi mặc lại cái áo hay chiếc váy nhiều lần trong những sự kiện khác nhau. Chúng ta cũng bị đổ cà phê, soda, tương cà và mù tạt lên người khi hối hả chạy đi họp, hoặc khi hối thúc các con.

Chúng ta thấu hiểu. Chúng ta từng như vậy. Những nét không hoàn hảo không làm chúng ta xấu đi hay mất giá trị. Chúng làm chúng ta thành con người.

Lần tới khi bạn đi ngang qua nhà tắm hoặc gương phòng ngủ, hãy dừng lại và quan sát bản thân mình trong gương. Dành ít nhất 60 giây trọn vẹn để nhìn thấy bạn thật sự – bạn nguyên thủy.

Hãy để ý nếp nhăn quanh khuôn miệng khi cười.

Hãy để ý bóng dáng cong cong phản chiếu dưới ánh đèn màu.

Hãy để ý sắc da màu mocha hoàn hảo cùng 33 vết tàn nhang xung quanh mũi.

Hãy để ý lọn tóc đang dịu dàng thả trên da và một lọn nổi loạn dựng thẳng trên đầu.

Hãy để ý những nếp nhăn và vết sẹo và nhớ lại câu chuyện cũ về chúng – những câu chuyện làm nên bạn, những câu chuyện làm bạn đẹp hơn.

Hãy để ý tất cả và mỉm cười.

Và, hãy lặp lại theo tôi, “Tôi xinh đẹp. Tôi đủ đầy. Tôi quan trọng.” Lặp lại càng nhiều lần càng tốt cho đến khi bạn tin vào điều đó. Và lặp lại thêm 5 lần nữa. Tại sao? Bởi vì chúng ta thực sự xinh đẹp. Chúng ta đủ đầy. Và chúng ta quan trọng.

Bạn là người duy nhất trên hành tinh này có sự kết hợp độc đáo của tài năng, sở thích, kiến thức, sự khôi hài và trải nghiệm mà bạn đang có. Bạn sinh ra trong thế giới này với một lý do và mong muốn mang tất cả những gì bạn đã học, không những cho sự trưởng thành của bản thân mà còn cổ vũ và dẫn dắt những người xung quanh bạn.

Chắc chắn là bạn không hoàn hảo – tôi cũng vậy. Và vâng, mặc dù khá khó khăn để thừa nhận, con gái của tôi cũng không hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều như vậy. Chúng ta đều dễ bị tổn thương, và chúng ta sợ người ta nhắc về mái tóc rối bù hay đôi vớ lệch màu hoặc chương trình TV mà chúng ta yêu thích mỗi tối thứ Hai.

Nhưng, hãy nhớ, tất cả chúng ta đều có những ngày mà ngọn gió dùng mái tóc của ta tạo nên bức chân dung đầy cảm hứng Picasso. Tất cả chúng ta đều có những ngày mà chúng ta thề thốt rằng rõ ràng đôi vớ xanh này ban sáng là màu đen mà. Và tất cả chúng ta đều có những chương trình TV yêu thích không nhất thiết là vào thứ Hai, cũng có thể là thứ Năm.

Chúng ta không phải kỳ quái hay không được yêu thương. Chúng ta hoàn hảo theo cách của chúng ta.

Và lần tới khi bạn nghĩ đến việc thuyết phục bản thân nhìn thấy giá trị bản thân, hãy nhớ ba điều.

Chúng ta đều là con người.

Chúng ta đều dễ tổn thương.

Và chúng ta đều xinh đẹp – đặc biệt là bạn.

Nguồn : Elephant Journal

Dịch bởi Yogavietnam