Khi mẹ tôi hấp hối, các anh chị em và tôi quây quần bên cạnh bà trong những ngày cuối cùng. Không ai trong chúng tôi biết gì về việc hỗ trợ một người trong giai đoạn chuyển dời khỏi cuộc sống trần thế này, nhưng chúng tôi khá chắc chắn là muốn giữ bà tại nhà, nên chúng tôi đã làm vậy.

Khi chăm sóc Mẹ, chúng tôi, ngược lại, cũng được giúp đỡ bởi một y tá chăm sóc giảm nhẹ, Ann, cô đến đây mỗi vài ngày để chăm cho Mẹ và nói cho chúng tôi biết những gì có thể đón nhận trong vài ngày tới. Cô dạy chúng tôi tiêm morphine giảm đau cho Mẹ khi bà quá mỏi mệt, cô nhận làm những việc khó khăn (như là giúp Mẹ tắm), và cô cho chúng tôi những hướng dẫn cần làm cho cơ thể Mẹ sau khi tinh thần bà đã rời khỏi thân thể.

 “Mọi người cứ từ từ,” cô nói.”Không cần phải gọi dịch vụ tang lễ cho đến khi các bạn đã sẵn sàng. Hãy tụ họp những người thân thiết muốn nói lời từ biệt. Ngồi bên mẹ lâu như bạn mong muốn. Và khi các bạn sẵn sàng, gọi cho họ và họ sẽ đến đưa bà đi.” 

Ann trao cho chúng tôi món quà đáng kinh ngạc trong những ngày cuối cùng đó. Mặc dù đó là một tuần vô cùng đau đớn, chúng tôi vẫn biết rằng mình đang được ôm ấp bởi một người chỉ cách một cuộc gọi. 2 năm sau giai đoạn đó, tôi vẫn nghĩ tới Ann và vai trò quan trọng của cô trong đời chúng tôi. Cô còn hơn cả vai trò “y tá chăm sóc đặc biệt”. Cô là người hướng dẫn, huấn luyện viên và là người chỉ đường. Thông qua việc hỗ trợ và hướng dẫn một cách dịu dàng, không phán xét, cô giúp chúng tôi đi qua hành trình khó khăn nhất cuộc đời mình.

Công việc mà Ann làm có thể định nghĩa bởi một từ đã trở nên quen thuộc trong một số nhóm cộng đồng mà tôi làm việc. Cô đã dành không gian cho chúng tôi.

Vậy “dành không gian” cho ai đó có nghĩa là gì?

Đó có nghĩa là chúng ta đồng hành với người đấy trên bất cứ hành trình nào họ đi qua mà không phán xét họ, không làm họ cảm thấy kém cỏi, không cố thay đổi họ, hoặc cố làm thay đổi kết quả. Khi chúng ta dành không gian cho người khác, chúng ta mở rộng tấm lòng, trao tặng sự hỗ trợ vô điều kiện, buông bỏ sự phán xét và kiểm soát.

Đôi khi chúng ta thấy mình đang dành không gian cho người khác trong khi chính người đó đang làm điều đó cho người khác nữa. Trong trường hợp của chúng tôi, Ann dành không gian cho chúng tôi khi chúng tôi làm cho Mẹ. Mặc dù tôi chẳng biết gì về hệ thống trợ giúp của cô, tôi đoán rằng có ai đó cũng đang dành không gian cho Ann khi cô làm cái công việc ý nghĩa và thách thức này. Gần như không thể nào là một người dành không gian mạnh mẽ nếu không có một người dành không gian cho chúng ta. Kể cả những nhà lãnh đạo, huấn luyện viên hay y tá mạnh mẽ nhất…cần phải biết họ có những người mà họ có thể tỏ ra dễ bị tổn thương và yếu đuối mà không sợ bị phán xét.

Trong vai trò là một người thầy, người hỗ trợ, huấn luyện viên, người mẹ, người vợ và người bạn của tôi, tôi cố gắng tốt nhất để dành không gian cho những người khác theo cái cách mà Ann đã làm mẫu cho tôi và các anh chị em. Không lúc nào cũng dễ dàng, vì tôi có khuyn hướng rất con người là thích sửa sai người khác, cho họ lời khuyên hoặc đánh giá họ khi họ không đi tiếp trên con đường họ đang đi, nhưng tôi luôn cố gắng vì tôi biết đó rất quan trọng. Và cùng lúc, có những con người trong đời mà tôi tin tưởng có thể dành không gian cho tôi.

Để có thể thật sự trợ giúp người ta trong sự trưởng thành, thay đổi, đau khổ…của chính họ, chúng ta không thể làm bằng cách lấy đi quyền lực của chính họ (ví dụ như cố gắng thay đổi họ), dè bỉu họ (ví dụ như ngụ ý là họ phải biết nhiều hơn là làm) hoặc làm họ choáng váng (như là cho họ nhiều thông tin hơn là họ sẵn sàng đón nhận). Chúng ta phải chuẩn bị bước sang một bên để họ tự quyết định, trao cho họ tình yêu thương và sự hỗ trợ vô điều kiện, đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng khi cần, và làm họ thấy an toàn ngay cả khi mắc lỗi.

Dành không gian không phải là thứ chỉ dành riêng cho huấn luyện viên, người hướng dẫn hoặc y tá chăm sóc đặc biệt. Đó là điều mà TẤT CẢ chúng ta có thể dành cho nhau – cho một nửa, cho con cái, bạn bè hoặc hàng xóm và kể cả người lạ bắt chuyện với chúng ta trên xe bus.

Sau đây là 8 tip giúp bạn dành không gian cho mọi người. Đây là bài học tôi học được từ Ann và những người đã dành không gian cho tôi.

1. Cho phép người ta tin tưởng vào trực giác và sự thông thái của chính họ. Khi chúng tôi ở bên Mẹ trong những ngày cuối đời, chúng tôi chưa từng có kinh nghiệm gì trước đó, tuy nhiên, một cách trực giác chúng tôi biết mình cần phải làm gì. Chúng tôi biết làm thế nào để đưa cơ thể héo úa của Bà đến phòng tắm, chúng tôi biết nên ngồi xuống và hát ru Bà, và chúng tôi biết cách yêu thương Bà. Chúng tôi còn biết khi nào cần tiêm thuốc giảm đau cho Mẹ. Với cách thức rất dịu dàng, Ann cho chúng tôi hiểu rằng không cần thiết phải theo quy trình chăm sóc cụ thể nào – chúng tôi chỉ đơn giản tin vào trực giác của mình và sự thông thái tích luỹ sau bao nhiêu năm yêu thương Mẹ.

2. Cho người ta lượng thông tin đủ để họ xử lý. Ann đưa ra những hướng dẫn đơn giản và một vài tờ giấy chỉ dẫn, nhưng không làm chúng tôi quá ngộp trong giai đoạn nhấm nháp sự đau khổ đó. Nhận quá nhiều thông tin sẽ làm chúng tôi cảm thấy mình vô dụng và không có giá trị gì.

3. Đừng lấy đi quyền lực của họ. Khi chúng ta lấy đi quyền quyết định khỏi tay người khác, chúng ta làm cho họ cảm thấy vô dụng và kém cỏi. Có những lúc chúng ta cần bước tới và giúp họ ra những quyết định khó khăn (như là khi họ đang chống chọi với cơn nghiện và việc can thiệp vào là cách duy nhất để giúp họ), nhưng hầu như trong các trường hợp khác, người ta cần sự tự chủ để ra quyết định (kể cả các con chúng ta). Ann biết là chúng tôi cần được cấp quyền để ra quyết định về thay cho Mẹ, và cô trao cho sự trợ giúp mà không cố gắng thay đổi chúng tôi.

4.Từ bỏ cái tôi. Cái này quan trọng đây. Chúng ta thường hay bị sa vào cái bẫy này – khi chúng ta bắt đầu tin rằng sự thành công của ai đó phụ thuộc vào sự can thiệp của chúng ta, hoặc nghĩ là sự thất bại của họ là phản ánh kém cỏi của chúng ta, hoặc khi ta bị thuyết phục rằng bất kì cảm xúc nào họ chọn để xả cho ta chính là nói về ta thay vì về họ. Đó là cái bẫy mà tôi thường vướng vào mỗi khi đi dạy. Tôi có thể quan tâm hơn đến sự thành công của bản thân (Sinh viên có thích mình không? Điểm số của họ là phản ánh năng lực của mình chăng?) hơn là thành công của sinh viên. Nhưng điều đó chẳng phục vụ cho ai cả – kể cả tôi. Để thật sự hỗ trợ cho sự phát triển của họ, tôi cần buông cái tôi của mình và tạo không gian để họ có cơ hội trưởng thành và học hỏi.

5. Cho họ thấy sự an toàn để có thể thất bại. Khi người ta đang học hỏi, trưởng thành hoặc đang trải qua giai đoạn đau khổ, họ dễ bị mắc sai lầm. Khi chúng ta, những người dành không gian cho họ, không tỏ ra phán xét hay xấu hổ, chúng ta cho họ cơ hội tiếp cận bên trong bản thân họ để tìm thấy sự can đảm chấp nhận rủi ro và sự kiên cường tiến về phía trước ngay cả khi thất bại. Khi chúng ta cho họ biết thất bại chỉ là một phần của hành trình và không phải là tận cùng của thế giới, họ sẽ không tốn thời gian tự trách và có nhiều thời gian để học từ sai lầm của mình.

6. Đưa ra hướng dẫn và giúp đỡ với sự khiêm tốn và thấu đáo. Một người biết dành không gian thông minh biết khi nào cần kiềm hãm lời khuyên (như là khi làm đối phương cảm thấy ngu ngốc hoặc kém cỏi) và khi nào cần hướng dẫn nhẹ nhàng (khi người ta cần hướng dẫn hoặc họ đang lạc lối không biết làm gì). Mặc dù Ann không lấy đi quyền lực hay sự độc lập của chúng tôi, cô tự nguyện đến và giúp cho Mẹ tắm và thực hiên một vài công việc khó khăn của việc chăm sóc. Điều này giúp chúng tôi thấy nhẹ nhõm hơn và chúng tôi chưa từng làm những việc này và cũng không muốn đặt Mẹ vào tình thế làm cho bà cảm thấy xấu hổ (ví dụ như là khoả thân trước mặt con cái). Đây là một hành động lưu tâm mà chúng ta cần phải làm khi dành không gian cho ai đó. Nhận ra những vùng mà họ yếu ớt nhất và không có năng lực để làm và việc trao cho họ sự giúp đỡ phù hợp mà không làm họ xấu hổ cần thực hành và sự khiêm nhường.

7. Tạo khoảng không cho những cảm xúc phức tạp, nỗi sợ hãi, sự sang chấn…Khi người ta cảm thấy họ bị kéo xuống sâu hơn là họ quen thuộc, họ sẽ cảm thấy an toàn đủ để cho những cảm xúc phức tạp trồi lên thay vì giấu kín.  Những người biết dành không gian biết chuyện này sẽ xảy ra và sẵn sàng dành không gian ấy một cách dịu dàng, đầy hỗ trợ và không phán xét. 

Cộng đồng trở thành không gian mà người ta cảm thấy an toàn để tan vỡ mà không sợ điều này làm họ vỡ vụn mãi mãi hoặc sẽ xấu hổ trước những người khác trong phòng. Một người luôn có mặt trao sức mạnh và sự can đảm. Việc này vốn không dễ, và đây là nhiệm vụ tôi vẫn luôn học hỏi khi tôi phải đảm nhiệm những buổi đối thoại khó khăn.

Chúng ta sẽ không làm được nếu bản thân ta cũng cảm xúc thái quá, nếu chúng ta vẫn chưa cố gắng nhìn vào cái bóng của mình, hoặc không tin tưởng người mà chúng ta đang dành không gian cho. Trong trường hợp của Ann, cô làm vậy bằng cách thể hiện sự nhẹ nhàng, vị tha và tự tin. Nếu cô ấy không thể hiện theo cách cho chúng tôi thấy sự đảm bảo rằng cô có thể xử lý những tình huống khó khăn hoặc cô sợ cái chết, chúng tôi sẽ ko thể tin tưởng cô như đã từng. 

8. Cho phép họ ra những quyết định khác và có trải nghiệm khác chúng ta. Dành không gian tức là tôn trọng sự khác biệt và nhận ra sự khác biệt này có thể làm cho họ quyết định khác chúng ta. Đôi khi, ví dụ như, họ quyết định dựa trên nền văn hoá mà chúng ta không thể hiểu từ trải nghiệm sẵn có của mình. Khi chúng ta dành không gian, chúng ta thả lỏng sự kiểm soát và trân trọng sự khác biệt. Ann đã cho chúng tôi thực hiện quyết định về việc làm gì với cơ thể Mẹ sau khi bà đã qua đời. Nếu như có nghi thức nào cần phải làm trước khi chôn cất bà, chúng tôi toàn quyền thực hiện trong sự riêng tư cả gia đình.

Dành không gian không phải là thứ mà chúng ta có thể rành rọt qua một đêm, hoặc có thể xử lý đầy đủ trong danh sách bí quyết mà tôi vừa trình bày. Đó là môn thực hành phức tạp sẽ cải tiến dần khi chúng ta thực hiện, và nó là duy nhất cho từng người từng tình huống.

Nguồn: Uplift Connect

Dịch bởi Yogavietnam