Là một giáo viên hướng dẫn Yin yoga, tôi chọn mang âm nhạc vào trong lớp của mình, các bài nhạc từ có lời đến không lời. Tôi đặc biệt yêu thích nhạc piano vì âm thanh nghe như giọt nước rơi, mang lại cảm giác tỉnh, tự nhiên không gợi nhiều cảm xúc. Nhạc có lời từ Việt đến tiếng Anh lẫn Latin, đến Kirtan tiếng Phạn, có nhạc Trịnh, nhạc của Lê Cát Trọng Lý rất đời khiến người nghe tự sự, đến các bài dành cho các đôi yêu đương ve vãn nhau, nghe thì con tim chỉ tan chảy, thân thể bồng bềnh như nước.

Việc nghe một bài nhạc có giai điệu ru êm giúp người tập bình thản hơn, dễ thả lỏng hơn và đôi khi khơi gợi cả cảm xúc bên trong họ. Với tôi việc tập Yin yoga mang tính cá nhân, tính riêng tư rất nhiều vì khi đấy chúng ta đang tạo điều kiện để đắm chim trong thế giới của riêng mình. Đó có thể là thế giới của cái đùi trước đang rất căng, thế giới của cái đầu quá lạnh hoặc là của một trái tim chực trào cảm xúc. Âm nhạc (phải bảo đảm là một sự lựa chọn đúng) sẽ giúp chạm được vào những thế giới đó, để xoa dịu hoặc thăng hoa chúng.

Nếu bạn cẩn thận, không biết chọn bài nào cho học viên của mình thì hãy chọn các bài không lời nhẹ nhàng thư giãn (piano rất an toàn). Nếu các bạn tự tin vào gout của mình thì hãy thoải mái bật nhưng bài bạn cảm thấy phiêu nhất ngay từ những âm thanh đầu tiên. Đừng ngại nếu đó là bài hát có lời ca hay giai điệu hơi phá cách, ngẫu hứng chút. Vì bạn chính là người nắm giữ không gian của lớp, chỉ khi bạn có cảm xúc và thấy được sự kết nối, bạn mới mang lại những món quà đó cho học viên. Tôi thường để dành những bài “đắt và chất” nhất vào một, hai tư thế cuối cùng, thường là những tư thế phục hồi, nghỉ ngơi, savasana, và lúc đó học viên nằm xuống và hahhhhhhhhhhhhh

Tuy bạn đã có sẵn một danh sách bài hát nhưng chọn bài nào vào lúc nào cũng là một sự cân nhắc. Ví dụ khi dạy Yin thì việc hướng dẫn tư thế gần như chỉ thực hiện lúc trước khi bắt đầu, lúc này bạn không thể mở nhạc to, nhạc có lời quá động, nhiễu, hãy để học viên nghe được và tập trung vào hướng dẫn kĩ thuật của bạn. Sau đó khi học viên vào và giữ thế, bạn cũng quan sát xem phản hồi phần lớn học viên từ cơ thể, thái độ của họ. Nếu họ tỏ vẻ bồn chồn, khó chịu, không kiên nhẫn thì bạn nên chọn những bài an toàn, nhạc không lời, êm dịu. Không nên bật các bài có tiết tấu hơi nhanh, có ca từ nhức nhối khiến học viên mệt mỏi hơn. Bạn nên quan sát, ứng biến, đừng làm mọi thứ ở chế độ tự động nhé.


Trong ảnh là những bài có lời tôi đặc biệt yêu thích, bên cạnh các bài nhạc không lời khác.

Mong chúng ta tìm được sự kết nối sâu với bộ Yin yoga, một lúc nào đó.

Yin Yoga Saigon