Trải qua một thời gian dài để tâm hồn rong ruổi, lang thang tìm kiếm cái gọi là hạnh phúc (thực ra chỉ là cảm giác dễ chịu trong nhất thời) trong tương lai, bất chợt  phút giây nào đó tâm mong cầu rơi rụng xuống, nhường lại khoảng không yên bình trong tâm hồn, ta bỗng rung lên khi nhìn thấy cái gì quanh ta cũng đều mầu nhiệm. “Nó đây rồi!” (This is it) là thứ mà ta đã lãng quên nay mới nhìn ra được.

Nhưng nếu ta tinh tấn và kiên trì thực tập thêm một chút nữa, quan sát đối tượng kỹ thêm một chút nữa, thì không chỉ biết rõ tình trạng hay tính chất của đối tượng mà ta còn giúp cho khả năng có mặt và quan sát của mình trở nên tinh tường như thời còn bé thơ. “Nó sao rồi?” (How is it going?) là câu thần chú mà ta nên tự nhắc mình tới lui nhiều lần để kiểm tra lại mức độ quan sát. Tại vì thói thường ta hay nhìn mọi vật phớt lờ, hoặc nhìn bằng những vọng tưởng trong đầu mà cứ đinh ninh rằng mình đã thấy đã biết hết rồi.

Câu thần chú nữa là, “Cứ để nó như vậy đi!”(Let it be). Nó như thế nào cũng được, cứ để yên như vậy, đừng chỉnh sửa hay trang điểm gì thêm cho nó. Thực ra, rất khó để làm điều này vì thói quen của ta rất thích can thiệp hay điều khiển đối tượng diễn ra theo ý của mình. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ lại, ta thấy hầu hết những phiền muộn hay rắc rối trong cuộc sống chính là do thái độ không cần thiết ấy của ta. Ta quên rằng không phải lúc nào ta cũng đúng, và không phải lúc nào ta cũng có thể thay đổi được tình trạng bởi nó còn phụ thuộc những điều kiện khác ngoài tầm tay ta nữa.

Có lúc ta chỉ cần đứng yên đó và quan sát chứ không nên làm gì cả. Làm có thể sẽ khiến cho tình trạng tồi tệ hơn, thay vì cứ để nó xảy ra theo tiến trình tự nhiên của nó. Thành cũng được mà bại cũng không sao. Hay thì tốt còn không hay thì cũng chẳng hề hấn gì. Vì sao ư? Vì nó phải như vậy! Vì trong cái bại có chứa cái thành, trong cái không hay có chứa cái hay, trong cái khổ đau có chứa cái hạnh phúc. Ta cần phải học cách chấp nhận cả thuận lẫn nghịch.

Ngoài ra, quan sát mà không bỏ thêm thái độ hay vọng tưởng của mình vào, quan sát bằng cái tâm trong sáng thuần khiết, thì mới có thể tiếp xúc được bản chất thật của đối tượng. Đây là chất liệu tối cần thiết cho việc khám phá, thấu hiểu, và chuyển hóa phiền não.

Trong giai đoạn đầu ta không thể nào đem bài thực tập này vào đời sống một cách toàn vẹn được. Nhưng không sao, cứ áp dụng được chừng nào hay chừng nó. Khi tìm thấy được những giá trị quý báu như sự bình an, thảnh thơi, hiểu biết và thương yêu rộng lớn từ thói quen mới này, ta sẽ tự biết nên làm gì cho bước kế tiếp.

Nguồn: Sách thiền về Hiểu biết của Thiền Thân Hương Đất