Khi Indra Devi rời Trung Quốc để chuyển đến California vào năm 1947, nhiều người bạn đã nhắc rằng bà có thể gọi môn học của mình là gì cũng được ngoại trừ “yoga”. Sau tất cả, phải 10 năm sau đó Richard Hittleman mới giới thiệu yoga rộng rãi trên truyền hình và phải 2 thập kỉ sau thì cuốn Ánh sáng Yoga của .K.S. Iyengar mới được phát hành. Những người Mỹ sau chiến tranh so sánh môn học yoga như thứ gì đó khó khăn như là môn nuốt lửa.

Nhưng Indra Devi vẫn kiên định. Người phụ nữ di cư sinh ra ở Latvia cảm thấy lãnh thổ chưa khám phá này như nhà mình. Bà phá vỡ giới hạn già cỗi hàng thể kỉ bằng cách trở thành người phụ nữ đầu tiên – và là người phương Tây đầu tiên – học yoga từ bậc thầy T. Krishnamacharya, bà cũng mở trường dạy yoga đầu tiên tại Trung Quốc và quay trở lại Ấn Độ dạy yoga tại đây trước khi tìm đường sang Mỹ.

Bà cũng không mất nhiều thời gian để xây dựng cơ sở những người hâm mộ, và một trong những fan của bà là tầng lớp thượng lưu. “Rất nhiều người đã tìm học yoga chỉ đơn giản vì các ngôi sao như Gloria Swanson, Greta Garbo, Jennifer Jones, Marilyn Monroe, Olivia de Havilland, Mala Powers, Robert Ryan hay huyền thoại ngành mỹ phẩm Elizabeth Arden được biết đến là những người tập yoga.”  bà nhắc điều này trong quyển sách bán chạy xuất bản năm 1959, Yoga cho người Mỹ.

Indra Devi là một đại sứ lý tưởng cho yoga, một phần vì bà không phải là một người đàn ông Ấn Độ. Sinh ra tại Nga với tên khai sinh Eugenie Peterson trong một gia đình quý tộc, bà có đầy đủ tính cách của một người Tây phương tinh tế, thoải mái du lịch vòng quanh thế giới và giao tế với những người làm truyền thông và giới thượng lưu. Nhưng bà chưa bao giờ tỏ ra câu nệ hay qua nghiêm khắc, và tính cách ấm áp cùng sự lanh lẹ đã làm những người tiếp xúc đều yêu quý bà. Bà thu hút và chào đón sinh viên bất kể động lực học yoga của họ: để giảm cân hay để tự nhận thức.

Sự quan tâm của Devi đối với lĩnh vực tâm linh phương Đông bắt đầu ở lứa tuổi thiếu niên, khi bà đọc những vần thơ của nhà hiền triết Rabindranath Tagore và nhà huyền bí có bút danh Yogi Ramacharaka. Năm 1926, ở độ tuổi 27, bà tham dự một buổi tiệc của Hiệp hội thần học hà Lan, nơi bà gặp và say mê Jiddu Krishnamurti. Năm sau đó, bà đi thuyền đến Ấn Độ, theo người thầy tâm linh nổi tiếng từ thành phố này sang thành phố khác.

Trong 12 năm sau đó, bà xem Ấn Độ là nhà, kết hôn với nhà ngoại giao Tiệp Khắc, đóng một bộ phim Ấn Độ (nghệ danh Indra Devi sau này trở thành tên pháp lý của bà), và làm quen với một số nhân vật nổi tiếng như Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru, và Rabindranath Tagore, tác giả của những vần thơ làm bà nảy sinh tình yêu với Ấn Độ. Có bạn bè ở giới thượng lưu có lợi ích riêng của nó; năm 1937 khi Krishnamacharya từ chối nhận một phụ nữ như bà làm học trò, người bảo trợ hoàng gia của ông đã can thiệp thay cho Indra Devi.

Khi Indra Devi theo chồng đến Thượng Hải vào năm 1939, Krishnamacharya đã dần thân cận với người học trò mặc váy sari này, và nhấn mạnh rằng bà phải dạy yoga. Và bà đã làm như vậy – cho đến phần đời còn lại của mình. Devi mất khi bước vào tuổi 103 tại  Buenos Aires, Argentina, nơi bà sống từ năm 1985.

Phong cách giảng dạy của Devi hơi giống phong cách của Iyengar hay K. Pattabhi Jois – nhạc trưởng của Ashtanga Yoga, người cũng theo học với Krishna-macharya trong những năm 1930. Có thể là do Krishnamacharya nhẹ nhàng với bà hơn, hoặc cũng có thể là do Devi nhận ra các kỉ luật mạnh mẽ, nghiêm khắc và sự vâng lời không nghi vấn không phù hợp với đa số người phương Tây.  Bà chắc chắn nhận ra sự khác biệt trong lối sống của người phương Tây và người Ấn Độ. “Tôi đã tính đến không chỉ nhịp sống ở Mỹ hướng tới, mà còn thực tế là hầu hết các bạn không có cơ hội giữ cho cơ bắp mình linh hoạt và các khớp dẻo dai,” bà viết trong cuốn Yoga cho người Mỹ.

Devi đem đến cái nhìn của một người phụ nữ trong thế giới từng của riêng người đàn ông. Khi dạy, bà cũng dùng trải nghiệm từng là một vũ công, sự trân trọng với giáo lý không chuyên của Krishnamurti, và sự cống hiến của bà với Sathya Sai Baba, người truyền đạo thánh thiện với mái tóc rối, “hãy nhìn với đôi mắt yêu thương, nghe với đôi tai yêu thương, làm việc với bàn tay yêu thương.” Sai Yoga của bà không phải là chuỗi vinyasa bà học từ Krishnamacharya. Bà vẫn dùng hơi thở để chuyển động trong và giữa các tư thế, nhưng thương hiệu đặc trưng của bà là sự dịu dàng và tận tụy.

Trong khi các học viên của Iyengar và Jois gọi thầy của họ là Guruji, học viên của Devi gọi bà là Mataji, một từ ngữ mang tính yêu thương và kính trọng dành cho mẹ. Và, cũng như những người mẹ khác, bà dạy cho họ biết thế nào là tình yêu vô điều kiện. “Bà không chỉ dạy chúng tôi asana,” David Lifar, giám đốc Quỹ Indra Devi ở Buenos Aires, cho biết. “Mục đích của Mataji – điều quan trọng nhất trong cách dạy của bà – là trao yêu thương cho mọi người.”

Nguồn: trích Yoga International

Dịch bởi Yogavietnam