Tôi đã từng luôn nói “Không”.

Tôi bước vào nghiệp người mẫu kỳ quái, rối tinh rối mù của mình lúc gần 20 tuổi. Khi đó tôi đang mơ trở thành một nhiếp ảnh gia cho các nhóm nhạc nhưng công việc ấy không đủ nuôi sống tôi. Một trong những studio tôi cộng tác đề nghị tôi làm mẫu (miễn phí) cho khách hàng của họ. Điều này thường làm tôi cảm thấy bị lợi dụng, ko thoải mái và khá khó chịu.

Tôi không bao giờ thích được chụp ảnh, và rõ ràng điều đó không phù hợp với một người mẫu. Tuy nhiên, một nhiếp ảnh gia thời trang đã chụp ảnh tôi và giới thiệu cho một công ty quản lý. Và tôi được công ty này mời đến nói chuyện.

Buổi nói chuyện này đã mang đến công việc người mẫu tôi không tha thiết gì mấy. Tôi chả bao giờ mê công việc làm mẫu, luôn cảm thấy ko an toàn về cơ thể và ngoại hình của mình. Đến giai đoạn của xu hướng “vẻ đẹp nghiện ngập” (“heroic chic”) của những năm 90, tôi luôn bị sụt cân và size quần áo của tôi giảm đến  3-4 size so với tôi bây giờ. Người ta hay nói tôi rằng tôi có khuôn mặt trang bìa và thân hình thương mại, mà tôi thường tự giễu là gương mặt cằn cỗi với cái mông béo.

Mỗi khi bên quản lý gọi tôi giao công việc, tôi thường có thói quen nói “Không”.

“Oh, tôi không đi casting được đâu vì tôi bận việc khác rồi” hoặc “Không, tôi có cuộc casting khác rồi.”. Sự thật là, việc bị chỉ trích, sự thoái chí, và cảm giác thoái hóa giá trị bản thân là điều khó chấp nhận. Bị phán xét chỉ dựa trên ngoại hình của bạn là viên thuốc đắng khó nuốt. Mỗi cuộc gọi đều làm tôi sợ hãi – người ta sắp kêu mình làm gì đây? Mình sẽ phải hở da lộ thịt, cười hay “đi catwalk” nữa sao?

Tôi từ chối một nửa số lời đề nghị casting, cố gắng sống xót với mức thu nhập để có thể thay đổi nghề nghiệp: Tôi tập yoga trong 4 năm và tôi quyết định làm cú thay đổi.

Nghề giáo:

Việc đăng ký lớp huấn luyện giáo viên yoga làm tôi lo lắng – đó là một hành động hơi đắt đỏ. Trong tâm tưởng của mình, trong suốt 2 tháng đào tạo tập trung sâu, có một giọng nói cứ thủ thỉ: “Mày ko dạy được đâu, mày cũng sẽ nói Không thôi.”. Tôi cần bù lại phần chi phí bỏ ra cho khóa học, nhưng lại lo rằng mình cứ ở trong vùng an toàn trong vai trò học viên yoga mãi mãi. Tôi không chịu được cảm giác đứng trước lớp bị quan sát bởi bao nhiêu đôi mắt.

Sau khi kết thúc khóa học, với bằng cấp trên tay, tôi nghĩ rằng mình cần thử khi mà ngọn lửa còn âm ỉ. Tôi gọi đến một vài yoga studio và phòng gym, hỏi xem họ có thể cho tôi vào danh sách giáo viên dự phòng không, trong khi cũng không tự tin đủ để xin dạy lớp riêng của mình. Thấy hài lòng với bản thân vì đã có cố gắng một chút, tôi quay trở lại với vai trò học viên, hi vọng đừng có ai gọi mình.

Bạn chẳng thể đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Có người gọi tôi – và chắc có ai đó đã chiếm lấy tâm trí và cơ thể tôi lúc đó nên thay vì nói: “Không, xin lỗi, ngày đó tôi bận rồi.” thì tôi lại nói: “Vâng, mấy giờ thế?”.

Dạy học không dễ dàng chút nào.

Tôi biết các tư thế, biết về giải phẫu học, biết về triết lý – ít ra tôi nghĩ là tôi đã biết. Tôi lên kế hoạch thật chu đáo, tự thấy ngạc nhiên vì mình cũng học được khá ra phết, nhưng việc đứng lớp làm tôi muốn hết hơi hết sức.

Tôi mất vài năm mới cảm thấy thực sự thoải mái với việc giảng dạy. Đó là một quá trình. Tuy nhiên, khi số lượng thời gian dạy học của tôi tăng dần, thì sự tự tin của tôi cũng cải thiện theo. Qua từng lớp học, tôi đã học cách hướng dẫn, cách cảm thông với các bạn học viên, cách một số học viên cũng cảm thấy ngượng ngập như mình.

Tôi không coi mình là một giáo viên xịn và thường nhắn nhủ với lớp rằng dù tôi có bằng cấp, nhưng tôi vẫn chưa học xong cách dạy. Tôi hiểu là việc tìm thấy phép hấp dẫn yoga mất thời gian và sự đầu tư – nhưng vì cái tôi của tôi là zero, vốn là điều cần thiết để tôi trân trọng hành trình này. Tôi cảm thấy mình vẫn đang là một học viên đang hướng dẫn các bạn học khác – và suy nghĩ này giúp tôi tránh được cảm giác e dè, ngượng ngập của bản thân “Hãy giảm bớt yêu cầu của các bạn về tôi, và rồi bất cứ điều gì bạn tận hưởng hay học được đều là phần thưởng.” là câu thần chú của tôi.

Một khi tôi đã bỏ qua được các suy nghĩ lẩn thẩn, thiển cận của mình, tôi bắt đầu trau dồi kĩ năng giảng dạy. Lớp học của tôi ngày càng đông hơn. Tôi chủ yếu dạy Power yoga, vốn là môn học thu hút rất nhiều học viên ở trung tâm gyms tôi dạy. Có đôi khi có đến 40-50 người trong lớp của tôi, nên tôi cần phải dùng microphone và bộ chạy pin. Lớp đào tạo giáo viên chưa từng dạy tôi nghệ thuật “vượt qua khó khăn” với những thiết bị gắn vào cạp quần hay dạy trong một lớp học quá đông người (thực ra là cũng khá nguy hiểm).

Mỗi lớp học mang đến những điều gì đó mới mẻ, và thường là giáo án của tôi bị vứt sang một bên để có thể điều chỉnh cho phù hợp với những cơ thể và khả năng khác nhau trong lớp, mỗi thảm mỗi khác, mỗi học viên mỗi khác. Và sau mỗi lớp học, tôi lại dành thời gian nghiên cứu về tình trạng và yêu cầu sức khỏe của con người và rồi nhận ra mình vẫn chưa học đủ sâu.

Một số nhóm có không khí nghiêm túc và thân mật, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra họ ở đây để học, để thực hành và để tập trung. Các lớp học khác thì vui nhộn và ồn ào – tôi biết là tôi có thể cài vào vài câu nói đùa, và học viên sẽ không ngại đọc một số asana líu lưỡi. Đôi vai trĩu nỗi lo của tôi thả lỏng dần trong mỗi lớp học.

Tôi vẫn là một học viên yoga và vẫn đang học hỏi phương pháp hướng dẫn, nhưng chầm chậm và chắc chắn, tôi học được những điều phức tạp trong vai trò giáo viên. Tôi nhanh chóng hiểu được một trong những khía cạnh quan trong nhất của việc giảng dạy không phải là tôi có linh động và khỏe không, mà là tôi có khả năng nhìn ra xem ai đang cần hỗ trợ không. Hoặc là khi họ bị chấn thương, hoặc họ muốn tiến bộ hơn, hoặc họ muốn tìm sự an bình và tĩnh lặng. Có lẽ họ chỉ muốn học 1 tư thế nhất định nào đó hoặc làm thế nào có thể chỉnh sửa tư thế. Có nhiều thứ xảy ra trong quá trình giảng dạy – đó là lý do tại sao tôi cảm thấy mình chưa đủ trình độ khi mới bắt đầu đi dạy. Tôi có bằng cấp đấy – nhưng tôi vẫn chưa học được hết cách dạy.

Những lo lắng lẩn thẩn cũng không ám ảnh nữa. Tôi không còn quan tâm mọi người nghĩ gì với cái mông to của mình và tôi còn thích thú khi nhìn những ngón chân dài của mình.

Về tác giả:

Julia Rose là mẹ của hai bé trai tuyệt vời, là giáo viên yoga, tác giả, blogger và một người yêu âm nhạc. Với phương pháp tiếp cận yoga một cách thực tế, cô dạy từ năm 2003 và đã được nhắc đến cũng như đóng góp bài cho các tạp chí như Yoga Magazine, Draze Magazine và The Guardian.

 

Nguồn: Elephantjournal

Trích dịch bởi Yogavietnam