Bát chính đạo của hiền triết Patanjali mang đến cho chúng ta những chỉ dẫn hướng tới một cuộc sống ý nghĩa và có mục đích. Hãy thử đào sâu tìm hiểu những quy cách về đạo đức, luân lý và kỉ luật tự giác này.

Trong kinh yoga của Patanjali, bát chính đạo được gọi là ashtanga, mang nghĩa đen là “tám nhánh” (ashta = tám, anga = nhánh) hay còn hiểu là 8 bước/8 giai đoạn. 8 bước này về cơ bản đóng vai trò là những chỉ dẫn làm sao có thể sống một cuộc sống ý nghĩa và có mục đích. Chúng được xem như là quy tắc về đạo đức, luân lý và kỉ luật tự giác; chúng hướng ta vào việc quan tâm đến sức khỏe bản thân; và chúng giúp chúng ta thừa nhận những khía cạnh mang tính tâm linh của tự nhiên.

1. Yama

Bước đầu tiên, Yama, đề cập đến tiêu chuẩn đạo đức của một người và ý thức về sự chính trực, tập trung vào hành vi của chúng ta và cách chúng ta thể hiện bản thân trong cuộc sống. Yamas là những thực tiễn phổ quát có liên quan nhiều nhất đến Quy tắc vàng: “Muốn người ta xử tốt với mình, trước hết phải xử tốt với người ta.” (hay còn được dịch là “Thương người như thể thương thân”).

Có 5 yamas là:

Ahimsa: Không bạo lực

Satya: Thành thật

Asteya: Không trộm cắp

Brahmacharya: Tiết dục

Aparigraha: Không tham lam

2. Niyama

Bước thứ hai, Niyama, liên quan đến kỷ luật tự giác và sự tuân giữ tinh thần. Việc thường xuyên đi chùa/nhà thờ, niệm ân điển trước bữa ăn, tự thực hiện các phương pháp thiền cá nhân của riêng bạn, hoặc tạo thói quen đi bộ chiêm niệm là tất cả những ví dụ thực hành niyamas.

Có 5 niyamas là:

Saucha: Sự sạch sẽ

Samtosa: Sự toại nguyện

Tapas: Sự khổ hạnh/khổ luyện mang tính tâm linh

Svadhyaya:  Nghiên cứu Thánh thư và tự nghiên cứu bản thân

Isvara pranidhana: Quy phục trước Thượng đế

3. Asana

Asana, các tư thế thực hành trong yoga, hình thành bước thứ ba. Theo quan điểm yoga, thân thể là một ngôi đền tinh thần, sự chăm sóc thân thể là một giai đoạn quan trọng của sự phát triển tâm linh trong chúng ta. Thông qua việc thực hành asana, chúng ta cũng hình thành thói quen kỷ luật và khả năng tập trung, cả hai yếu tố cần thiết cho thiền.

4. Pranayama

Pranayama được hiểu chung là việc kiểm soát hơi thở, giai đoạn thứ tư này bao gồm các kỹ thuật được thiết kế để đạt được sự thấu suốt về quá trình hô hấp trong khi nhận ra mối liên kết giữa hơi thở, tâm trí và cảm xúc. Pranayama thường được dịch thoát nghĩa là “sự gia tăng sức sống”, các yogis tin rằng nó không chỉ làm trẻ hóa cơ thể mà còn kéo dài cuộc sống. Bạn có thể thực hành pranayama như là một kỹ thuật riêng rẽ (nghĩa là chỉ đơn giản là ngồi và thực hiện một số bài tập thở) hoặc tích hợp nó vào bài thực hành yoga hàng ngày.

Bốn giai đoạn đầu của bài tập Yoga ashtanga của Patanjali tập trung vào việc tinh lọc tính cách của chúng ta, đạt được sự chủ động trên toàn cơ thể, và phát triển một nhận thức tràn đầy năng lượng về bản thân, tất cả đều chuẩn bị cho chúng ta trong nửa sau của cuộc hành trình này, vốn liên quan đến các giác quan, tâm trí và và đạt được trạng thái ý thức cao hơn.

5. Pratyahara

Bước thứ Năm, Pratyahara, có nghĩa là rút lui hoặc hủy cảm (hủy đi các cảm xúc). Chính trong giai đoạn này chúng ta thực hiện các nỗ lực có ý thức để rút sự nhận thức ra khỏi thế giới ngoại quan và kích thích bên ngoài. Tuy nhận thức một cách sâu sắc, nhưng vẫn tiến hành sự tách rời khỏi, những giác quan của chúng ta, chúng ta hướng sự chú ý vào bên trong. Việc thực hành pratyahara cho chúng ta cơ hội để lùi lại và tự mình nhìn lại bản thân. Sự rút lui này cho phép chúng ta quan sát một cách khách quan thói quen của chúng ta: những thói quen có thể gây hại cho sức khoẻ và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bên trong của chúng ta.

6. Dharana

Vì mỗi giai đoạn sẽ chuẩn bị cho bước kế tiếp, việc thực hành pratyahara tạo ra nền tảng cho dharana, hay còn gọi là sự tập trung. Sau khi được giải thoát khỏi những phiền nhiễu bên ngoài, bây giờ chúng ta có thể giải quyết những sự xao lãng của tâm trí. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng! Trong việc thực hành sự tập trung, vốn là bước diễn ra trước khi thực hành thiền, chúng ta học cách làm chậm quá trình suy nghĩ bằng cách tập trung vào một đối tượng tâm thần duy nhất: một trung tâm năng lượng cụ thể trong cơ thể, hình ảnh của một vị thần, hoặc sự lặp đi lặp lại trong thầm lặng một âm thanh nào đó. Dĩ nhiên, chúng ta đã bắt đầu phát triển năng lực tập trung trong ba giai đoạn trước đó của việc thực hành asana, việc kiểm soát hơi thở, và việc thu hồi các giác quan. Trong asana và pranayama, mặc dù chúng ta đã tập trung chú ý vào hành động, sự chú ý của chúng ta cũng sẽ di động đây đó. Trọng tâm của chúng ta liên tục thay đổi mỗi khi chúng ta điều chỉnh lại tư thế hoặc kĩ thuật thở. Trong pratyahara, chúng ta tự quan sát; và bây giờ, trong dharana, chúng ta tập trung sự chú ý vào một điểm duy nhất. Các giai đoạn tập trung kéo dài sẽ tự nhiên dẫn đến thiền định.

7. Dhyana

Thiền định hay chiêm nghiệm, giai đoạn thứ bảy của ashtanga, là sự tập trung liên tục. Mặc dù sự tập trung (dharana) và thiền định (dhyana) có thể là một và giống nhau, nhưng có một sự khác biệt rõ ràng giữa hai giai đoạn này. Dharana thực hành sự chú ý một điểm, trong khi dhyana vốn là trạng thái nhận thức sâu sắc mà không tập trung vào điểm nào. Ở giai đoạn này, tâm đã được tĩnh lặng, và trong tĩnh lặng nó tạo ra ít hoặc không có bất cứ ý nghĩ nào cả. Sức mạnh và sức chịu đựng để đạt được trạng thái tĩnh lặng này khá ấn tượng. Nhưng đừng bỏ cuộc. Mặc dù đây có thể là công việc khó khăn hoặc không thể thực hiện, hãy nhớ rằng yoga là một quá trình. Mặc dù chúng ta có thể không đạt được tư thế “hoàn hảo cho một bức ảnh”, hoặc trạng thái ý thức lý tưởng, chúng ta luôn được hưởng lợi ở mọi giai đoạn của quá trình.

8. Samadhi

Patanjali mô tả giai đoạn thứ tám và cũng là cuối cùng của ashtanga, samadhi, như một trạng thái của sự xuất thần. Ở giai đoạn này, thiền giả hòa nhập với điều họ đang tập trung vào và vượt lên trên bản ngã một cách hoàn chỉnh. Thiền giả nhận ra mối liên hệ sâu sắc với Đấng tối cao, một mối liên hệ với tất cả các sinh vật. Với sự chứng ngộ này, họ cảm nhận “sự bình yên vượt qua mọi sự hiểu biết”; một trải nghiệm hạnh phúc và tồn tại cùng với Vũ Trụ. Nhìn bề ngoài, điều này có vẻ như là một mục tiêu khó với tới được. Tuy nhiên, nếu chúng ta tạm lắng và xem lại điều gì chúng ta thực sự mong muốn để thoát ra khỏi cuộc sống, có phải niềm vui, sự trọn vẹn và tự do luôn nằm trong danh sách hi vọng, mơ ước, ham muốn của chúng ta không? Cái mà Patanjali đã miêu tả về sự kế thúc con đường yoga là điều mà trong sâu thẳm, con người luôn mong muốn: sự bình an. Hãy nghĩ rằng giai đoạn cuối cùng của yoga – khai sáng/giác ngộ này không thể được mua hay sở hữu. Nó chỉ có thể được trải nghiệm với cái giá là sự tận tâm không ngừng nghỉ của con người.

Dịch bởi Yogavietnam.vn

Nguồn : Yogajournal