Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời các câu hỏi của trẻ em.

Trẻ em luôn có một vị trí đặc biệt tại Làng Mai. Ở đây luôn có những buổi thực hành, lời nguyện và chương trình được thiết kế đặc biệt dành cho trẻ em và thiếu niên, và thiền sư Thích Nhất Hạnh thường điều chỉnh phần đầu tiên trong bài pháp thoại của Người hướng về trẻ em. Thầy thường xuyên nhận câu hỏi từ các em, và qua đó người lớn có thể xác định được những gì họ hỏi. Trẻ em có thể nhỏ hơn, non nớt hơn và các em có cách dùng từ khá buồn cười, nhưng những câu hỏi đó cho thấy các em, cũng như người lớn, cũng hoang mang với cuộc sống. “Tôi luôn cố gắng đưa ra câu trả lời trong sự hiểu biết tốt nhất của tôi,” Thầy nói. “Tôi lớn hơn các em rất nhiều tuổi, nhưng khi chúng tôi cùng ngồi và cùng thở, có vẻ như chúng tôi cũng như nhau.”

Tỉnh thức là gì?

Tỉnh thức là nguồn năng lượng. Năng lượng giúp chúng ta tận hưởng những gì đang diễn ra ngay lúc này. Năng lượng tỉnh thức có thể đem cho chúng ta nhiều niềm vui. Nó giúp chúng ta bớt đau khổ và học được từ những đau khổ đó. Một cách tốt để có được năng lượng có ý thức là nhắm mắt và thở một cách dễ dàng. Hãy chú ý đến hơi thở của mình. Nếu em có thể tận hưởng mỗi nhịp hít vào thở ra, em đang tạo năng lượng có ý thức đó.

Thầy sẽ làm gì khi một người cảm thấy không vui và Thầy muốn an ủi họ, giúp họ vui vẻ hơn?

Một trong những điều đơn giản nhất và đầy yêu thương nhất mà em có thể làm cho một ai đó đang buồn là chỉ cần ở bên cạnh họ và thở với họ. Em có thể nói, “Tôi ở đây với bạn.” Em đang tặng họ sự hiện diện của em, món quà tuyệt vời nhất em có thể dành cho họ.

Thầy sẽ làm gì khi Thầy sợ hãi?

Thông thường, khi chúng ta sợ hãi, chúng ta sẽ chạy trốn khỏi thứ làm ta sợ. Khi thầy sợ hãi, thầy sẽ thở sâu và bình tĩnh. Thầy cố gắng ngừng suy nghĩ của mình và chỉ thở. Điều này luôn giúp ích cho thầy. Mỗi khi thầy bị đau bụng, thầy sẽ dùng một chai nước ấm chườm bụng. Trong 5 phút sau đó, thầy cảm thấy khỏe hơn nhiều. Hơi thở có ý thức của thầy cũng giống chai nước ấm cho tâm trí. Mỗi khi thầy áp dụng hơi thở tỉnh thức vào nỗi sợ, thầy sẽ thấy nhẹ nhõm.

Không tức là có?

Đúng vậy. Không tức là có. Em có ý tưởng trong đầu về sự không. Em có ý tưởng trong đầu về sự có. Cả hai đều là những thứ có thể tạo ra đau khổ hay hạnh phúc.

Tại sao đôi lúc em thấy cô đơn và không có ai yêu thương em?

Đôi khi mọi người xung quanh em bị phân tâm và có thể quên mất việc thể hiện tình yêu thương. Nhưng nếu em cảm thấy không ai yêu mình, em có thể nhìn ra thế giới tự nhiên ngoài kia. Em có thấy cái cây kia không? Cái cây đó yêu em đấy. Nó đem đến vẻ đẹp và sự tươi mới cho em và cả oxy để em thở. Trái Đất này yêu mến em, đem đến cho em nước ngọt và trái cây tươi em thưởng thức. Thế giới này thể hiện tình yêu bằng nhiều cách, không chỉ với ngôn từ.

Làm sao em có thể yêu ai đó trong khi họ thích những thứ khác em?

Yêu thương là khám phá. Nếu em vẫn yêu thương người đó, em sẽ khám phá những điều tốt đẹp về họ. Em sẽ thích những khác biệt bởi vì nếu ai cũng giống nhau thì chán lắm. Ngay cả khi người đó có tính cách có vẻ chẳng đáng yêu tí nào, em cũng có thể tập yêu họ bằng một cách nào đó, như là chính họ, chứ không phải như là cách em ước họ như vậy.

Làm sao em có thể bình tĩnh khi em nhìn thấy quá nhiều xấu xa trên thế giới này?

Khi thầy nhìn thấy bạo lực và tội ác, thầy vẫn giận dữ. Đôi khi chúng ta vẫn tức giận. Nhưng chúng ta học cách chế ngự cơn giận. Nếu chúng ta nhìn gần hơn, chúng ta để ý rằng những người độc ác cũng chịu nhiều đau khổ. Khi chúng ta thấy như vậy, chúng ta sẽ vị tha, và giúp cải thiện hoàn cảnh bằng cách tạo ra hòa bình, ngay cả khi những gì xung quanh chẳng bình yên tí nào. Chúng ta có thể dùng hơi thở và sự tỉnh thức của mình để thay đổi nguồn năng lượng tức giận thành năng lượng bao dung. Khi chúng ta có sự bao dung, chúng ta có thể làm nhiều thứ giúp người khác bớt đau khổ.

Trích sách Không tức là có? của thầy Thích Nhất Hạnh xuất bản năm 2014.

Nguồn: Lion Roar

Dịch bởi Yogavietnam