Không có tự ngã, không có hình tướng, không có mục tiêu: Thiền Sư Nhất Hạnh nói về một sự thật mà chúng ta đang bị phân tâm.
Tâm thức nhị nguyên, như là sinh và tử, tồn tại và không tồn tại, tính giống nhau và khác nhau, đến và đi, là nền tảng của mọi phiền não. Thiền định về ba cánh cửa giải thoát giúp chúng ta vứt bỏ những quan niệm này. Ba cánh cửa giải phóng, được dạy trong mọi giáo lý Phật giáo bao gồm tánh không, vô tướng, và vô tác. Việc quán chiếu ba chân lý sâu xa này có thể giúp giải phóng chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và sự đau khổ. Đó là những cánh cửa đưa chúng ta đến với tự do.

Khi sống có tỉnh thức và tập trung, chúng ta thấy một thực tế sâu sắc hơn và có thể chứng kiến ​​sự vô thường mà không sợ hãi, tức giận, hoặc thất vọng. Niết bàn không phải là nơi để đến. Đó không phải là điều mà chúng ta cố gắng đạt được trong tương lai. Niết bàn hiện có sẵn cho chúng ta. Tánh không, vô tướng, và vô tác được coi là ba cánh cửa giải thoát, vì nếu chúng ta thiền định về chúng, chúng sẽ giải thoát chúng ta khỏi tất cả các loại tư tưởng phân biệt qua đó chúng ta có thể chạm vào bản chất thật của mình.

Không có cái tôi: sự giao tiếp hoàn hảo

Cánh cửa giải thoát đầu tiên là tánh không. Tánh không không phải là một triết lý; đó là một mô tả về thực tế. Giả sử bạn có hai ly trà, một ly chứa đầy trà và một không có trà. Bạn sẽ mô tả ly không có trà là trống không, nhưng không cái gì chứ? Đúng là ly ấy không còn trà, nhưng nó có đầy đủ không khí. Và bản thân cái ly đang tồn tại, dù có chứa trà hay không. Tánh không không có nghĩa là không tồn tại. Có một sự khác biệt lớn giữa trống rỗng và không tồn tại. Để trống rỗng, bạn phải ở đó. Tánh không luôn luôn là sự trống rỗng của một cái gì đó, giống như ý thức luôn là sự ý thức về cái gì đó. Khi chúng ta nhìn một đóa cúc xinh đẹp, chúng ta thấy rằng mọi thứ trong vũ trụ đều hiện diện trong bông hoa đó – mây, nắng, đất, khoáng chất, không gian và thời gian. Hoa không thể tồn tại một mình. Cái ly, bông hoa, mọi thứ bên trong và xung quanh chúng ta, và cả bản thân chúng ta cũng chỉ trống rỗng một điều duy nhất: một sự tồn tại độc lập riêng biệt. Mô tả đơn giản nhất về sự trống rỗng trong giáo lý của Phật giáo là câu này: cái này tồn tại bởi vì cái đó tồn tại. Một bông hoa không thể chỉ tồn tại một mình. Để tồn tại chỉ có thể tồn tại với nhau (chú thích: inter-be tức giáo lý tương tức của thầy Thích Nhất Hạnh). Đơn độc tồn tại là không thể. Mọi thứ đều có trong hoa; điều duy nhất hoa trống rỗng chính là bản thân nó.

Nhìn theo cách này, chúng ta bắt đầu thấy rằng mọi thứ đều có tính tánh không. Đôi khi bản chất của tánh không được gọi là không có cái tôi. Nhưng đừng lo, không có cái tôi không có nghĩa là bạn không ở đó. Giống như cái ly không có trà vẫn còn tồn tại, bạn vẫn tồn tại, thậm chí không có một cái tôi riêng lẻ.

Khi chúng ta nhìn vào một hành động, chúng ta tin rằng cần có một tác nhân riêng biệt tồn tại phía sau nó. Gió thổi đấy, nhưng làm gì có máy hay người nào thổi đâu. Chỉ có gió, và nếu nó không thổi, nó không phải là gió nữa.

Khi chúng ta đang suy nghĩ, chúng ta có thể tin rằng có một nhà tư tưởng tồn tại tách biệt với suy nghĩ. Vì chúng ta không thể tìm thấy một tác động nào bên ngoài gió, cũng không thấy người tạo mưa bên ngoài mưa, cùng cách nghĩ đó không có nhà tư tưởng nào tồn tại bên ngoài một ý nghĩ. Khi chúng ta nghĩ gì đó, chúng ta là những suy nghĩ đó. Chúng ta và những suy nghĩ của chúng ta không tách biệt. Khi chúng ta nói điều gì đó, những lời đó là chúng ta; không có người phát ngôn nào ngoài các ngôn từ đó. Khi chúng ta làm điều gì đó, hành động của chúng ta là chính chúng ta. Không có tác nhân nào bên ngoài hành động.

Có một câu thơ thỉnh thoảng được đọc trước khi cúi đầu trước Phật như thế này:

Người đang cúi lạy

và người được cúi lạy

về bản chất đều rỗng

Do đó sự giao tiếp giữa hai bên

hoàn hảo không tả được

Bụt được tạo ra từ các yếu tố không phải Bụt, cũng như tôi được tạo ra bởi các yếu tố không phải của tôi. Nếu bạn loại bỏ các yếu tố không phải tôi – mặt trời, bụi bẩn, rác, khoáng chất, nước, cha mẹ tôi, và xã hội của tôi – tôi không còn gì tồn tại. Nếu bạn loại bỏ các yếu tố không phải Bụt từ một vị Bụt, không còn vị Bụt nào còn lại. Sự giao tiếp mang tính hoàn hảo khi chúng ta có thể hiểu rằng người cúi lạy và người được cúi lạy đều trống rỗng. Đây chính là thiền định.

Nếu chúng ta nhìn vào một đứa trẻ, chúng ta có thể thấy rằng chúng ta hiện diện đầy đủ trong mỗi tế bào của đứa trẻ đó. Nếu chúng ta không thể hiểu được làm thế nào đứa trẻ có thể hành động như vậy thì nên nhớ rằng đứa trẻ không có một cái tôi riêng biệt. Cha mẹ và tổ tiên của một đứa trẻ nằm bên trong  đứa bé ấy. Khi bé đi và nói, họ cũng đi và nói.

Khi chúng ta có thể nhìn thấy những người xung quanh chúng ta với sự thấu hiểu này, thay vì giận dữ và chấp trước, chúng ta thưởng thức thành quả của sự chiêm nghiệm về tánh không.

Không có hình mẫu: Hành trình Tuyệt vời của sự vô tướng

Cánh cửa thứ hai của giải thoát là sự vô tướng. Một dấu hiệu đánh dấu vẻ ngoài của một cái gì đó, hình thức của nó. Chúng tôi nhận ra sự vật dựa trên dấu hiệu của chúng, nhưng chúng ta thường bị lừa bởi các hình thức bên ngoài của sự vật. Đức Phật nói, “Ở đâu có dấu hiệu, ở đó có sự lừa dối.” Ví dụ: khi chúng ta nhìn lên bầu trời, chúng ta sẽ thấy một đám mây. Nhưng nếu chúng ta nhìn đủ lâu, dường như đám mây mà chúng ta đang nhìn biến mất. Mây đã trở thành mưa, sương mù, hoặc tuyết, và chúng ta không nhận ra nó nữa.

Nếu bạn trở nên gắn bó với đám mây đó, bạn có thể nghĩ rằng “Ôi, đám mây yêu dấu của tôi, bây giờ bạn đang ở đâu? Tôi nhớ bạn. Bạn đã không còn tồn tại. Tôi không thể nhìn thấy bạn nữa.” Có lẽ bạn không cảm thấy như vậy về một đám mây, nhưng chắc chắn đây là cảm giác của bạn khi mất đi một người thân. Chỉ ngày hôm qua bạn của bạn vẫn còn sống. Nhưng bây giờ có vẻ như cô ấy đã không còn tồn tại nữa.

Nhưng trên thực tế đám mây của chúng ta vẫn ở đó, bởi vì không thể nào đám mây chết. Nó có thể trở thành tuyết, mưa đá, hoặc mưa, nhưng nó sẽ không trở thành không còn gì. Không thể nào có chuyện một vật chuyển từ trạng thái tồn tại sang không tồn tại. Người thân yêu của bạn vẫn còn ở đâu đó. Nếu bạn có trí tuệ của sự vô tướng, bạn vẫn có thể nhận ra người thân của bạn trong các hình thức mới của họ.

Hãy tưởng tượng rằng tôi đổ một ít nước trà từ một ấm trà vào cái ly rỗng. Khi tôi uống trà, nó thay đổi hình thức. Nếu tôi nói chuyện ngay sau khi uống trà, cuộc nói chuyện sẽ có hương vị trà trong đó. Vì vậy, trà không chỉ trong ấm. Nó có một hành trình. Nó di chuyển và có nhiều hình dạng. Điều này cũng đúng đối với chúng ta. Chúng ta không chỉ là cơ thể, suy nghĩ và cảm xúc mà chúng ta có ngay bây giờ. Mỗi ý nghĩ, lời nói, và hành động chúng ta sản sinh sẽ vẫn tiếp tục ngay sau khi cơ thể của chúng ta đã phân hủy. Chúng ta không cần phải lo lắng về việc không còn tồn tại. Hình thức của chúng ta thay đổi, nhưng không có gì bị mất. Cho dù đám mây có hình thức của một đám mây, mưa, sông, hoặc trà, nó vẫn tiếp tục cuộc hành trình tuyệt vời của nó.

Không Mục tiêu: Sự Hạnh phúc của Vô tác

Cửa giải phóng thứ ba là sự vô tác (không mục đích). Vô tác hay vô nguyện có nghĩa là bạn không xem bất cứ thứ gì như là một đối tượng theo đuổi. Những gì bạn đang tìm kiếm không phải là cái gì đó ở bên ngoài bạn; nó đã có sẵn ở đây. Bạn đã là điều bạn muốn trở thành. Tập trung vào sự vô nguyện giúp giải phóng khao khát và ham muốn của bạn khỏi những thứ trong tương lai và ở đâu xa.

Bạn có thể đang phải chạy cả cuộc đời thay vì sống với cuộc đời ấy. Bạn có thể đang đuổi theo hạnh phúc, tình yêu, sự lãng mạn, thành công, hoặc sự khai sáng. Việc tập trung vào vô tác/vô nguyện bao gồm việc loại bỏ đối tượng ham muốn, loại bỏ mục tiêu. Nếu bạn mơ tưởng đến cõi niết bàn, bạn nên biết rằng niết bàn đã có trong chính bạn và trong mọi thứ. Nếu bạn đang theo đuổi Đức Phật, hãy biết rằng Đức Phật đã ở trong bạn. Nếu bạn đang tìm kiếm hạnh phúc, hãy nhớ rằng hạnh phúc có sẵn ở đây và bây giờ.

Cái nhìn sâu sắc này giúp bạn ngừng theo đuổi. Chỉ khi bạn ngừng việc theo đuổi bạn mới có thể có được sự thỏa nguyện và hạnh phúc mà bạn đang tìm kiếm. Con sóng không cứ phải trôi chảy tìm kiếm nguồn nước. Nước đã có ngay tại đây và bây giờ. Cây tuyết tùng có mong mỏi trở thành cây thông, cây bách hay thậm chí thành chim đâu. Nó là một biểu hiện tuyệt vời của vũ trụ như nó vốn là như vậy. Bạn là sự biểu hiện của vũ trụ. Bạn cũng tuyệt vời như thế.

Chúng ta được dạy để nghĩ rằng nếu chúng ta không có mục đích, chúng ta sẽ không đi tới đâu cả. Nhưng chúng ta sẽ đi đâu cơ chứ? Chúng ta nghĩ rằng chúng ta được sinh ra và phải đạt được điều gì đó trước khi chết đi. Giả sử chúng ta vẽ một đường từ trái sang phải, đại diện cho tiến trình của thời gian. Chúng ta chọn một điểm – gọi nó là điểm B – điểm sinh. Ai đó được sinh ra trong thời điểm này. Chúng ta làm giấy khai sinh cho đứa trẻ này, nghĩ rằng đứa bé đã khởi đầu sự tồn tại từ điểm B. Nhưng trên thực tế, đứa trẻ đã ở đó rồi. Ngay cả trước thời điểm thụ thai, hạt giống của đứa trẻ tồn tại dưới các hình thức khác. Điểm B là một khoảnh khắc tiếp diễn. Không có sự khởi đầu.

Chúng ta bèn nghĩ rằng sẽ có một khoảnh khắc khi chúng ta chấm dứt sự tồn tại. Trên dòng tưởng tượng mà chúng ta đã vẽ trên, hãy chọn điểm D, tượng trưng cho cái chết. Chúng ta tin rằng khi sinh ra, chúng ta đã chuyển từ trạng thái không tồn tại sang tồn tại, và chúng ta tin rằng khi chết đi chúng ta sẽ quay trở lại trạng thái không tồn tại. Nhìn sâu vào những quan niệm của chúng ta về hiện hữu và vô ngã, ý thức về tánh không và vô tướng của tất cả mọi thứ, chúng ta chạm vào bản chất vô sinh và vô tử của mọi sự vật.

Khi chúng ta đi qua những cánh cửa giải phóng, chúng ta dập tắt mọi khái niệm. Không còn sự sợ hãi. Nếu sóng biết làm thế nào để nghỉ ngơi trong nước, sóng tận hưởng cả sự trồi lên lẫn tụt xuống. Sóng không sợ hãi việc tồn tại hay không tồn tại. Sóng không sợ đến và đi. Sóng có khả năng chạm vào đại dương trong chính mình. Ba cánh cửa giải thoát nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không khác gì làn sóng đó: trống rỗng, không hình dạng, và có thể chạm vào bản chất vốn có của chúng ta bất cứ lúc nào.

Dịch_ Yogavietnam.vn

Nguồn_ Lion Roar