Tiến bên ngoài  người dong dỏng, giọng nói từ tốn đều, dễ tạo cho người trò chuyện cảm giác an nhẹ nhàng và tất nhiên cũng…từ tốn. Điều này có chút khác so với những gì Tiến thể hiện trên mạng xã hội. Đây cũng là một trong những tính cách thú vị và thông minh của một giáo viên yoga trẻ: tự tin với việc tập luyện và dạy yoga, biết làm mới và tạo nét riêng một cách vừa phải, văn minh, và đặc biệt là khả năng kết nối.

Cùng Yogavietnam trò chuyện ngẫu hứng với bạn giáo viên yoga trẻ tên Tiến hay tự gọi mình là thầy Tư nhé.

Năm đầu với yoga của anh là năm nào? Yoga của năm đó và yoga ở 2018 khác gì nhau?

Năm 2010, mấy người bạn thân rủ tôi cùng tới lớp Yoga.  Tôi trước đó cũng biết rằng Yoga tốt cho sức khoẻ, nhưng cũng chưa tìm hiểu gì nhiều và chưa thật sự quan tâm.  Tôi tới lớp với tâm thế tham gia một môn thể thao; vì là một nhân viên văn phòng, tôi cũng biết chăm sóc cho cơ thể là quan trọng lắm sau nhiều giờ làm việc với máy tính.
Ngồi quan sát những học viên sau giờ tập của lớp trước, tôi nhận ra rằng Yoga là môn-thể-thao-đặc-biệt.  Có hai lý do: họ đã thật sự rất vất vả và ra nhiều mồ hôi, và nét mặt của họ cho tôi thấy tâm trí của họ đang rất an ổn.  Là một trong nhiều lần “Oh wow!” của mình, tôi biết ngay đây là con đường tôi sẽ đi, là môn-thể-thao mà tôi sẽ “chơi”.
Cho tới nay, Yoga đối với tôi vẫn là một con đường rộng lớn thênh thang; mỗi lần vào lớp tập hay mỗi lần lên đứng lớp, tôi đều cảm nhận được sự rộn ràng phấn chấn.  Đó là sự trông chờ khám phá cơ thể và dõi theo tâm trí.

Suốt những năm đó anh có có những khoảnh khắc AHA không? Và cái AHA nào sâu sắc nhất?

Tôi có vô số khoảnh khắc Ah hah, Oh Wow, Ohhh, hoặc thậm chí là Noooo Way!!!  Trong đó có hai lần vô cùng ấn tượng với tôi.  Lần thứ nhất là khi tôi được tập trong lớp Vinyasa Yoga của cô Hang Nhan, người sau này là đồng sáng lập Trường Đào tạo Giáo viên Yoga saigon om  tại Canada, Úc Châu, và Việt Nam.  Tôi không còn nhớ rõ chuỗi bài của cô, nhưng điều làm tôi quá xúc động là sự truyền trao niềm hứng khởi của cô và đặc biệt là những bài hát mà cô đã mở lên trong lớp cho chúng tôi nghe, những khi cao trào và những khi lắng đọng.  Tôi nhớ nhất là hai bài: The End of Suffering — do thầy Tỳ Kheo Thích Chân Pháp Niệm hát thiền, và bài Ong Namo của ca sĩ Snatam Kaur.  Cuối giờ hôm đó, tôi đứng chờ ở cửa lớp, xin phép được ôm cô một cái để tỏ lòng biết ơn.  Gần đây, khi cô trở về Việt Nam để đào tạo thế hệ giáo viên Yoga tiếp theo, tôi lại được gặp cô, và được ôm cô lần nữa.
Lần thứ hai là trong khoá đào tạo mà tôi theo học với các thầy cô thuộc Bryce Yoga School và Yoga Beyond.  Trong một buổi tập, cô giáo của tôi đã nói rất nhiều về sự trân trọng những giá trị của cuộc đời mà ai trong số chúng tôi cũng đang có — làm sao chúng tôi có thể được rèn luyện một cách bình an như thế trong không gian đẹp như thế, nếu đã không có quá nhiều những sự thuận lợi từ trước.  Những nhân duyên này được sinh ra từ đâu, hiện nay còn được nuôi dưỡng không, và sau này biểu hiện của chúng là gì — sao có thể trả lời trong một hai câu nói.  Lúc đó tôi quá xúc động, và cô cũng tới ôm tôi.

tôi nhận ra rằng Yoga là môn-thể-thao-đặc-biệt

Anh có tự nhận mình là người tập luyện kỉ luật hay tuỳ hứng. Anh thấy hay, dở ở mỗi kiểu như thế?

Tôi là một người tập luyện theo kỷ luật nhưng tôn trọng cảm xúc và rất sáng tạo.  Ở một chừng mực nào đó, kỷ luật trong tập luyện giúp chúng ta trụ tâm lại với việc thực hành hơn là lan man suy nghĩ.  Tuy nhiên, việc tập luyện theo cảm xúc và mang tính chất ngẫu nhiên cũng giúp chúng ta tháo gỡ những căng thẳng hiện có.  Ngẫu hứng thì vui hơn, nhưng kỷ luật thì bền hơn.
Tôi cho một ví dụ vui nhé: Tư thế Down dog (chó cúi).  Rất nhiều trong số chúng ta vào thế và giữ đúng tỷ lệ chân, tay, hông.  Nhưng cũng có nhiều trong chúng ta thích uyển chuyển uốn lượn cổ chân, gối, hông, vai, bàn tay.  Hiển nhiên, một bên là kỷ luật, còn bên kia mang tính “nghệ sĩ” và chứa nhiều cảm xúc hơn.  Tuy nhiên, mỗi định hướng đem lại những hiệu quả khác nhau.  Phương pháp thứ hai là một quá trình (dù ngắn) để tìm tới tỷ lệ vừa phải cho cơ thể thoải mái; còn phương pháp đầu đòi hỏi người tập canh chỉnh các bộ phận sao cho vừa dứt chuyển thế là vào luôn.  Một phía là đi thẳng vào cửa chính.  Một phía là tới cửa rồi gõ cửa, trở ra vườn hái một bông hoa, và vòng trở lại để bước vào trong.

Tôi là một người tập luyện theo kỷ luật nhưng tôn trọng cảm xúc và rất sáng tạo

Anh đến lớp dạy lúc nào cũng thích chứ? Hãy thành thật nhé.

Tôi luôn thấy thú vị mỗi khi lên lớp. Vì tôi tin rằng việc mình mang lại điều gì đó cho những hội viên tới với lớp của mình cũng đồng hành với điều gì đó mà mình sẽ nhận được từ họ.  Vì mình sẽ “được-nhận-quà,” thì là sao mình không vui cho được.
Mình vừa là giáo viên, nhưng cũng là người đi học.  Trong lớp đâu phải mình không học hỏi được gì từ hội viên, mà trái lại học được rất nhiều.  Tư thế là một lẽ — có nhiều tư thế mà các hội viên đã vô cùng nhuần nhuyễn.  Thái độ là hai — họ khiêm nhường như vậy, thì lý gì mình lại cao ngạo.  Cuối cùng, điều này khó: tâm trí.  Tâm trí không dễ quan sát, huống gì ngay lúc mình đang hướng dẫn người khác.  Bao nhiêu là cơ hội để mình thực hành việc quan sát tâm trí, thì đó chính chẳng phải là mục tiêu mà một người giáo viên Yoga hướng tới hay sao!

Nếu không có hứng mà phải đến lớp thì phải làm sao nhỉ? 

Tôi dùng hai cách để duy trì sự hứng thú trước khi lên lớp.  Một là tôi theo dõi hơi thở, và hai là tôi bám sát bài dạy.
Tôi may mắn được biết những phương pháp thở đơn giản, được truyền trao từ truyền thống đạo Phật ứng dụng từ thầy Hoà thượng trước Nhất sau Hạnh.  Những hội viên thường tới lớp của tôi đều thuộc làu:
“Breathing in, I know I am breathing in
Breathing out, I know I am breathing out.”
“Hít vô, tôi biết tôi đang hít vô
Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra.”

Tôi dùng hai cách để duy trì sự hứng thú trước khi lên lớp.  Một là tôi theo dõi hơi thở, và hai là tôi bám sát bài dạy

Phương pháp thở này chẳng những giúp cho tâm trí được lắng đọng hơn mà còn giúp chúng ta nhận diện những tâm hành non yếu vốn có thể đưa tới những cảm xúc buồn chán.  Bằng cách theo dõi hơi thở, tôi duy trì không ngừng cho tới khi vào lớp luôn.  Tức là bản thân tôi cũng thực hành điều mà tôi sẽ hướng dẫn trong lớp; cho nên may mắn là sự thực hành đó được tiếp nối liên tục không ngừng nghỉ, không gián đoạn.
Bám sát bài dạy của mình là điều quan trọng thứ hai.  Ở trên đã nói về cảm xúc và ngẫu hứng trong thực hành, thì ở đây tôi lại nói thêm về cấu trúc bài dạy.  Bản thân mình có niềm tin, có cơ sở để tin rằng bài dạy của mình có công dụng cụ thể nào đó, mà nếu người tập duy trì thường xuyên thì sẽ phát huy được yếu tố nào đó.  Mình phải tin điều đó!  Và phải tự tin và chính mình!  Việc soạn bài kỹ và việc bám sát bài dạy giúp chúng ta đối diện tích cực với những suy nghĩ lan man, tránh việc tuỳ tiện chỉnh sửa bài tập, và giúp người tập đồng cảm với mình nhiều hơn.

Hiện tại anh dạy mấy lớp một tuần? Theo anh mấy lớp một tuần là vừa?

Mỗi tuần tôi dạy khoảng 20 lớp, bao gồm các lớp chung và lớp kèm riêng.  Như vậy là lý tưởng cho tôi rồi!

Học viên thích nhất ở anh điều gì? Anh có thể tự đoán nếu học viên chưa bao giờ thủ thỉ với anh. 

Đa số hội viên nói là vào lớp của tôi thì không lơ là được!!!  Và cũng không lười được!!!
Động tác cơ bản, chắc chắn.  Có nút thắt, cao trào như bão tố.  Có lắng đọng, nhiều cơ hội để nhìn vào bên trong.  Và họ yêu đời hơn khi bước ra khỏi lớp.

Mantra của riêng anh là gì?

Câu thần chú mà tôi luôn đem theo mình và luôn truyền trao cho hội viên vô cùng đơn giản, ở trên tôi đã nhắc tới.  Trong đời sống của mỗi chúng ta, từ người có thể trạng cao ráo, xương lớn chắc khoẻ, vận động thể dục đều đặn, cho tới người ho hen gầy guộc, thiếu chất, bận rộn lo âu, ai ai cũng cần duy trì hơi thở và lấy hơi thở làm bầu bạn.  Tôi nhắc đi nhắc lại và chưa bao giờ ngại để tiếp tục nhắc thêm:
“Hít vô, tôi biết tôi đang hít vô
Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra.”
Thực hiện phỏng vấn_Yogavietnam
Kết nối với Tiến
Ảnh _ Yoga Pod & Nhân vật cung cấp