Bạn đã học xong khóa huấn luyện giáo viên yoga 200-300h với bằng chứng nhận quốc tế “oách xà lách”. Rồi thế nào nữa? Sống với đam mê, bỏ hết tất cả, đi dạy full time thôi chứ sao. “Đời không như là mơ”, rồi 2-3 tháng trên con đường thiên lý đó, bạn sẽ vở lẽ ra hiện thực tàn khốc khi mà tình yêu không cùng đường chung lối với túi tiền. Không phải chỉ dạy 1-2 lớp mỗi ngày sẽ cho bạn nguồn thu nhập xông xênh như bạn mong muốn. Chuyện chạy show dạy thêm 5-6 lớp mỗi ngày ở các trung tâm, studio là thường thôi nhé. Đúng là thời gian làm việc của bạn sẽ linh động hơn nhưng bạn cũng không vì thế mà thảnh thơi hơn. Sẽ đến lúc nào đó bạn phát hiện ra mình đã trôi tuột mất nguồn năng lượng tích cực ban đầu, chỉ còn việc chạy đi chạy lại dạy như một cái máy. Bên cạnh đó, là giáo viên mới tỉnh tình tinh, chưa có tiếng tăm và kinh nghiệm giảng dạy, bạn cũng phải thông qua các studio để tìm kiếm học viên. Hầu hết các studio lớn đều có giáo viên ruột nhiều kinh nghiệm của họ, thật không dễ cho bạn chen chân. Nghe nản lòng gì đâu! Vậy làm sao để tồn tại đây?

Trong bài viết “16 cách có thu nhập thêm từ việc dạy yoga” của trang Love Teaching Yoga, tác giả đề nghị bạn hãy:

  1. Yêu cầu tăng lương
  2. Dạy các lớp yoga cho công ty/doanh nghiệp
  3. Dạy các vận động viên
  4. Dạy riêng cho các học viên cá nhân
  5. Dạy online qua Skype
  6. Quay video và bán clip bài học của bạn
  7. Tạo và bán các khóa học online
  8. Tổ chức workshops
  9. Tổ chức chuỗi lớp học chuyên sâu
  10. Làm ebook
  11. Tổ chức buổi tọa đàm về yoga
  12. Viết báo về yoga
  13. Viết blog
  14. Hỗ trợ các studio yoga với công việc quảng bá
  15. Làm chuyên gia tư vấn sức khỏe tinh thần
  16. Hợp tác quảng bá sản phẩm yoga/thể thao

Thay vì đi sâu vào từng mục trên, bạn có thể tập trung vào  2 điểm tối quan trọng sau đây:

  1. Không ngừng nâng cao kiến thức dạy và học yoga một cách toàn diện

Bạn đã có nhiều năm tập luyện yoga. Bạn đã trải qua khóa huấn luyện 200-300h với thầy cô quốc tế. Điều đó không có nghĩa là bạn đã “tu thành chính quả”. Việc giảng dạy yoga đòi hỏi nhiều hơn thế. Ngoài việc truyền thụ, hướng dẫn học viên thực hành asana sao cho hấp thu được ba yếu tố tâm-trí-lực, bạn còn cần trau dồi khả năng sư phạm (có bạn bẩm sinh đã biết cách giảng dạy, có bạn cần thời gian thực hành), cách thức truyền đạt, con mắt nhìn tâm lý, nhu cầu, khả năng của từng học viên (YGVN đã từng nghe học viên kể lý do họ chọn giáo viên A thay vì giáo viên B vì giáo viên B không gây áp lực cho họ phải làm như thế này, thế kia). Có như vậy bạn mới có thể xây dựng mối quan hệ bền vững với học viên. Bạn cũng cần dành thời gian riêng cho bản thân mình để cân bằng, duy trì, nạp lại nguồn năng lượng yogi tích cực thông qua việc tự tập luyện, thường xuyên tham gia các lớp chuyên đề, trao đổi với các sư phụ trong ngành. Bạn học được gì từ những lớp chuyên sâu đó, hãy đào sâu suy nghĩ và vận dụng chúng trong buổi workshop, buổi dạy của riêng bạn.

  1. Xây dựng cộng đồng yoga: Một giáo viên yoga cũng nên đóng vai trò đại sứ xây dựng cộng đồng yoga và thường xuyên đối thoại với họ. Nếu bạn không có cách nào để tương tác với mọi người, thì việc tổ chức workshop hay lớp học chuyên đề sẽ không có tác dụng gì vì có ai biết đến lớp học của bạn đâu. Đây là thời đại của truyền thông mạng, không gì hữu hiệu hơn là có thể tận dụng các công cụ online miễn phí này để xây dựng profile giáo viên, quảng bá bản thân. Vì vậy, hãy luôn nhớ lưu giữ danh sách email của học viên. Đó là cách thức giao tiếp hữu hiệu và giúp bạn chia sẻ với mọi người bạn sắp có lớp học gì hay ho. Hãy xin email học viên sau giờ học, làm mẫu đăng ký trên trang web cá nhân và khuyến khích học viên kết nối với bạn trên FB. Việc tổ chức dạy lớp cộng đồng miễn phí cũng là một cách giúp bạn kết nối với những người yêu yoga khắp nơi trong thành phố. Bạn có thể bắt đầu khiêm tốn nhưng nếu bạn kiên trì, cộng đồng của bạn sẽ dần phình to, profile của bạn sẽ càng có uy tín.

 

Người ta nói “Kiến thức không sinh ra kết quả, chỉ hành động mới làm được điều đấy.”  Nếu bạn có kiến thức tốt về yoga, bạn có liên hệ của học viên, nhưng bạn chưa hành động một cách khéo léo thì con đường “thỉnh kinh” vẫn còn xa lắm.

Chúc bạn thành công với con đường đã chọn.

-Satya-