Viện dưỡng lão có thể coi là thứ gần gũi nhất với phương Tây chúng ta khi so với vùng đất thiên táng của văn hóa Phật giáo Tây Tạng truyền thống, nhưng với những khác biệt quan trọng. Ở Tây Tạng, khu vực chôn cất là những vùng xa xôi, đầy đất đá nơi người ta đưa xác chết đến đó để phân hủy với thiên nhiên rồi họ sẽ thăm viếng xác chết để được nhắc nhở về sự vô thường và điều chắc chắn về cái chết. Ở phương Tây, viện dưỡng lão là nơi chúng ta đưa những người sắp chết đến đó, và chúng ta chẳng mong muốn thăm nom họ. Ở phương Tây, chúng ta chối bỏ cái chết, kháng cự với sự vô thường và chạy điên cuồng về hướng ngược lại để trốn tránh sự xấu xí của tuổi già.

Hầu hết những người sống nương nhờ viện dưỡng lão đã tiến tới giai đoạn mà việc rời giường, tự mình đi toilet, rồi xem, nghe và giao tiếp vượt quá giới hạn bản thân. Tâm trí và trí nhớ đã rời bỏ họ ở một mức độ nào đó.

Với những ai không quen biết, những người già yếu ớt này chán ngắt. Đôi khi họ còn bốc mùi. Và họ rất hay suy ngẫm về mọi thứ. Họ không thể bắt kịp ta. Dĩ nhiên, chúng ta cũng không thể chậm lại chờ họ

Thái độ của tôi cũng không khác gì.

Mẹ tôi và tôi không có mối quan hệ cởi mở, đầy thương yêu – mà thiên về kiểu tôn trọng lạnh lẽo, giấu đi một danh sách những điều ghét bỏ và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Bà vốn là người tuân thủ đầy thực tế và có năng lực, tôi là người mơ mộng đầy nghệ thuật và khiêu khích, đặc biệt trong giai đoạn thanh niên chưa trưởng thành và không tuân theo, giai đoạn mà người ta nói tôi là “cứng đầu”.

Chúng tôi va chạm khá thường xuyên, vì bà luôn cố gắng gò tôi vào khuôn khổ xã hội mà bà vốn quen thuộc – bắt tôi học nấu ăn, may vá và đánh máy. Tôi tức giận vì bà không thể nhìn tôi vì tôi là ai và tôi có thể làm gì – tranh vẽ của tôi, ý tưởng sáng tạo của tôi cho dù không thực hiện được. Bà không thấy lợi ích gì trong việc nuôi dưỡng những tính cách đó và bà cũng thẳng thắn nói ra điều này. Phản ứng lại, tôi nổi điên lên.

Kể cả trong thời kì trưởng thành, chúng tôi cũng không tin tưởng lẫn nhau. Tôi nhớ có lần mua được một tấm áo khoác mùa đông tuyệt vời. Khi tôi đem khoe với bà, xoay tới xoay lui như một người mẫu thời trang, bà nhìn tôi từ trên xuống dưới, rồi nói. “Uhm, mẹ đoán là con không có nhiều thời gian để shopping đúng không?” Ngay lập tức, tôi cảm giác như mình là đứa trẻ hư có những quyết định sai lầm.

Nói chung, việc giao tiếp của chúng tôi giảm thiểu đến mức tối đa với khoảng cách lịch sự, tránh nói ra sự thật chúng tôi cảm thấy thế nào về mối quan hệ không hòa hợp này. Bà học được việc không yêu thương bản thân từ khi còn trẻ và cũng dạy tôi điều đó. Cả hai chúng tôi đều không biết cách thể hiện những cảm xúc khó khăn.

Mối quan hệ của chúng tôi thay đổi khi bà phải vào viện dưỡng lão ở tuổi 94. Ở cạnh bà là điều đáng sợ và buồn bã. Tôi không muốn phải đến thăm bà hàng ngày, hoặc mỗi hai ba ngày.Viện dưỡng lão cách nhà tôi vài dặm và tôi sợ phải chứng kiến những người cận kề cái chết. Tôi muốn giả vờ như mẹ còn khỏe, rằng việc đưa bà đến đó là bổn phận của tôi.

Nếu không có việc thực hành thiền định, tôi không nghĩ mình có thể vượt qua điều này.

Đẩy lùi điều chúng ta không muốn là sai lầm. Đây là một trong những điều đầu tiên tôi học trên con đường Phật học. Điểm khởi đầu của con đường này là khổ đau, và bệnh tật, tuổi già, và cái chết đòi hỏi ta nên tuân theo trong yên bình, thay vì hi vọng, sợ hãi và đặc biệt là lơ là.

Một cách vô ý thức, thực hành chánh niệm của tôi bắt đầu thể hiện trong cuộc sống hàng ngày và hiện diện ngay trong hoàn cảnh này. Mặc dù miễn cưỡng, tôi bắt đầu thăm Mẹ thường xuyên hơn. Cũng như thiền định, điều này đòi hỏi kỉ luật. Tôi luôn cảm thấy khó chịu, không biết phải trông đợi cái gì, xử sự ra sao, phản ứng thế nào, nói năng điều gì. Tôi còn mang trong mình sự giận dữ giấu kín vì tôi là người duy nhất trong các anh chị em phải làm việc này

Mặc dù vậy, tôi biết cởi mở là điều có lợi cho Mẹ, vì ở mức nào đó tôi vốn rất yêu thương bà. Vì vậy tôi bắt đầu chậm lại để quan sát xem cái gì đang diễn ra.

Tôi bắt đầu nói chuyện với Mẹ theo cách bà muốn, không phải cách mà tôi muốn. Tôi nhắc lại sở thích của bà, thói quen, cách nói chuyện và tôi chiều theo chúng. Tôi mang cho bà những món quà như đồ chơi hoạt hình nho nhỏ mà tôi cho là nhảm nhí nhưng nó lại làm bà cười. Vốn luôn chán ghét lịch sử, đam mê của Mẹ, tôi bây giờ lại đọc thêm để bắt đầu câu chuyện. Tôi khuyến khích con gái đang sống ở London nơi Mẹ sinh ra, gửi về các tấm bưu thiếp. Con bé hào phóng gửi về cho bà những tấm thiếp to với hình ảnh Nữ hoàng, xe bus 2 tầng hay đồng hồ Big Ben. Tôi dán chúng khắp phòng Mẹ, và bà đã cười và chỉ trỏ chúng một cách vui vẻ. Mối quan hệ của chúng tôi không còn là về tôi, về sở thích, mức độ dễ chịu của tôi hay kì vọng của bà nữa.

Ban đầu không dễ chút nào. Thật mệt mỏi khi phải bỏ ra nhiều chú tâm như vậy nhưng vì không còn người thân nào ở đây, điều đó lại cần thiết và đáng giá. Ngạc nhiên thay, tôi dần dần yêu thương bà hơn , yêu thương chính bản thân bà.

Khi tôi chậm lại để gần gũi Mẹ một cách trọn vẹn hơn, tôi cũng có trải nghiệm sâu sắc với viện dưỡng lão hơn là mong đợi. Những người sống trong viện dưỡng lão tràn trề nhựa sống. Bên dưới sự suy yếu về sức khoẻ và nhận thức, tinh thần của họ thường rất khoẻ; tôi biết mẹ tôi cũng vậy. Tôi càng thường xuyên thăm bà, bà càng khoẻ mạnh và đáng yêu hơn. Bà sẽ nở nụ cười tươi tắn khi thấy tôi đi dọc hành lang, khác xa ánh mắt dò xét, chỉ trích mái tóc không theo khuôn phép của tôi mà tôi quen thuộc trước đây.

Những người bạn cùng viện của Mẹ cũng cho tôi thấy họ là ai. Thay vì hối hả lướt qua họ để đến gặp Mẹ, tôi đã thật tình quan sát họ. Tôi bắt đầu chào từng người một. Tôi biết tên họ, vài điều thú vị về họ để có thể đôi lúc nói chuyện. Chúng tôi chọc ghẹo nhau. Tôi thường nhận ra mình đang mỉm cười khi đang ngồi trong phòng ăn với Mẹ thay vì vẻ mặt sợ hãi trong lần đầu tiên ngồi ở căn phòng này trước đây.

“Nhiệt tình” vẽ bởi Susan MacLeod.

Và rồi tôi bắt đầu vẽ những người ở đây. Đối với tôi, đó là phương pháp tự nhiên để nhìn ra họ là ai, để thể hiện điều tôi nhìn thấy, để cho họ tự nói lên câu chuyện của chúng, và để cho họ thể hiện bản thân họ. Vì nó đem lại sự phong phú như vậy nên tôi đã xin phép đến viện dưỡng lão gần nhà mình để vẽ những người sống ở đó.

Một trong những người tôi thích vẽ nhất là Suzanne. Nếu chúng ta đau buồn vì sự vô thường thì bà lại không hề như vậy. Bà phải ngồi xe lăn nhưng lại luôn tích cực như một điệu độc tấu Hi Lạp, và luôn nói ra những lời cổ vũ. Giám đốc của viện dưỡng lão bảo tôi rằng Suzanne hoàn toàn ủng hộ bất cứ phương pháp trị liệu mới nào đối với bà, “Oh, vâng!” Mỗi ngày, bà luôn nhớ gửi lời ngợi khen cho các nhân viên, những lời ca tụng cho những gì họ đã làm cho bà.

“Giờ ăn tối” – Susan MacLeod.

Suzanne thường kể về người chồng quá cố của mình một cách trìu mến, người mà bà miêu tả là cao và thông minh, và sẽ nói bà nhớ ông nhiều đến thế nào. Một lần bà nói rằng bà từng hỏi ông sao người ta lại có thể tàn nhẫn như vậy và ông trả lời “Suzanne, anh không biết. Nhưng chúng ta không cần phải như họ.” Rồi Suzanne đột nhiên buồn bã sau khi nói về ông, rồi khôi phục lại tinh thần, đôi khi lại ngâm nga một giai điệu yêu thích.

Sau đó, một người bạn cùng tôi tình nguyện thực hiện việc vẽ nhóm lớn cho người ở đây về một chủ đề họ yêu thích. Sau khi tôi vẽ xong, tôi hỏi nếu họ có muốn chúng tôi quay trở lại. Suzanne, ngồi ngay hàng đầu, trả lời vui vẻ “Oh, có chứ!” Rồi bà ngừng lại, nói ra một sự thật “Uhm, nếu chúng tôi còn ở đây. Chúng tôi sẽ chết, cháu biết đấy.” Ngày đấy đã đến khi tôi tìm thấy bà trong căn phòng ăn vắng lặng. Tôi đã rất buồn và shock. Trông bà chẳng hề có vẻ chết chóc trước đây.

Sau vài năm, tôi có thôi thúc muốn tham gia thay đổi hệ thống chăm sóc dài hạn, để quan sát thế giới này và xem mình có thể đóng góp những gì. Tôi tham gia ban quản lý của một viện dưỡng lão phi lợi nhuận. Khác với ban quản trị các tổ chức tài chính hoặc bệnh viện nhi, thật không dễ dàng ngồi ở vị trí quản trị cho viện dưỡng lão. Những người tình nguyện quản lý thường là thành viên của tổ chức tôn giáo hoặc thành viên các gia đình có mong muốn đóng góp lại và ảnh hưởng chính trị thì rất hiếm hoi.

“Tinh nghịch” – Susan MacLeod

Làm việc này, tôi nhìn và học cách kiên nhẫn và kiên trì, bởi vì một hoàn cảnh sống tốt hơn cho người già thường không đến từ “hệ thống”, mặc dù chúng tôi đã cố gắng vận động. Chúng tôi có quan điểm khác nhau, nhưng tôi luôn nhận thấy những trái tim dịu dàng từ các thành viên, những người thật tâm lo cho người già và các nhân viên chăm sóc lương thấp công việc áp lực cao. Có lần tôi nhìn thấy chủ tịch của chúng tôi khóc trong buổi vận động cộng đồng tại buổi họp hàng năm khi nói về người vợ đã mất cách đây ba năm tại viện dưỡng lão. Khán giả cùng khóc thương với ông trong yên lặng.


Susan MacLeod vẽ Jean Storey sống tại viện dưỡng lão St Vincent. Việc vẽ những người già trong viện dưỡng lão giúp MacLeod nhìn thấy sự sống, tính hài hước, và tinh thần bên trong những hạn chế về sức khỏe của họ.

Trong tuần cuối cùng của Mẹ, mỗi ngày tôi đến viện là mỗi ngày tôi cảm nhận như bước vào hoả ngục của sự đau buồn không thể trốn tránh. Mẹ tôi đang hấp hối. Trong đau đớn.

Chúng tôi đã có vài buổi nói chuyện đầy thấm thía trong những giờ phút cuối cùng. Chống cự sự đau đớn, bà nói đứt quãng với tôi rằng bà biết những gì đang xảy ra. Tôi hỏi bà có muốn nói chuyện về việc đó hay không. Bà lắc đầu và khẳng định “Không”. Sau hơi thở hổn hển, bà nói, với nhiều cố gắng đứt quãng “Mẹ biết con yêu mẹ…Mẹ không biết sao con làm vậy…nhưng điều đó thật tuyệt.” Tôi ghét việc phải chứng kiến Mẹ ra đi.

Khi tôi bước vào phòng buổi sáng cuối cùng đó, sau 5 năm thăm nom bà tại đây, tôi không kiềm được và đã bật khóc nức nở. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, tôi đơn giản cảm thấy cái chết của bà là đúng. Không gì sai cả.

Tôi thường nghĩ trẻ em là kết nối với những điều tốt đẹp cơ bản. Những người già yếu ớt cũng vậy. Nhiều người không còn sợ hãi trở thành người mà họ vốn là vậy, cho dù là người buồn bã, thô lỗ, đau đớn hay sợ hãi. Tôi có được cái nhìn nhân văn mà trước đây tôi không hề có, và chính nhờ thiền định đã giúp tôi thể hiện tính nhân văn này và để nó bên cạnh tôi trong trải nghiệm hàng ngày.

Những chiến binh không sợ hãi sống trong viện dưỡng lão. Và họ xứng đáng được nhìn nhận.

Nguồn: lionsroar

Dịch bởi Yogavietnam