Chỉ hai tháng sau khi đến Ấn Độ, thiền sư của Sylvia Hellman đưa ra một yêu cầu bất ngờ. “Hãy lập một ashram hoặc trường học [ở Canada] để truyền dạy những kiến thức thiêng liêng của yoga và Vedanta.”

Đây là một yêu cầu khó nhằn. Đó là năm 1955, trên thực tế chẳng ai ở Bắc Mỹ nghe đến về yoga. Bên cạnh đó, Hellman không đến Ấn Độ với ý định trở thành một người tiên phong trong lĩnh vực tâm linh. Bà đến đây để gặp Swami Sivananda Saraswati, mong muốn được khai sáng về ý nghĩa cuộc đời, mà bà có lý do chính đáng để tìm hiểu. Sinh năm 1911 tại Berlin, bà đã đi qua 2 cuộc chiến tranh thế giới và mất cả hai người chồng: người đầu tiên bị giết bởi quân lính Gestapo vì những hoạt động giúp đỡ người Do Thái thoát khỏi Đức và người thứ hai mất vì đột quỵ.

Khi ông yêu cầu bà thành lập một ashram, Hellman cố gắng lý luận với vị cựu bác sĩ này. Bà chỉ ra rằng bà không biết tiếng Phạn hay Vendata. Bà chưa từng học Chí Tôn Ca Bhagavad Gita. “Đó chẳng khác gì người mù chỉ đường cho người mù.”

Ba tháng sau đó, Swami Sivananda lại đưa ra một yêu cầu khác cho bà. “Khi trở về phương Tây, con đừng làm việc vì tiền,” ông dặn bà. “Thượng Đế sẽ chăm sóc cho con.” Hellman, viết lại chuyến đi 6 tháng của mình trong quyển Radha: Nhật ký con đường tìm kiếm của một người phụ nữ, lúc đó không tự tin lắm. “Nước Mỹ và Canada vốn rất vật chất,” bà nói “Không ai hiểu nếu tôi sống nhờ bố thí.” Nhưng Swami Sivananda không xoay chuyển. “Con không thể dạy người khác sống bằng niềm tin vào Thượng Đế nếu chính bản thân con không làm vậy.”

Hellman viết lại trong nhật ký của mình về ngày hôm đó với một câu hỏi hoảng loạn: “Làm sao mình có thể thoát khỏi điều này đây?”

Nhưng cuối cùng bà cũng không chùn bước. Thay vì tách khỏi những nhiệm vụ mà thiền sư giao phó, bà đã hành động ngay. Trong vòng vài tuần sau khi trở lại Montreal, nữ tu hành khất thực bắt đầu dạy yoga, thuyết giảng về triết lý yoga, và kể lại trải nghiệm của mình ở Ấn Độ trên TV. Năm tiếp theo, bà chuyển đến Vancouver, mở nhà sách đầu tiên của thành phố về chủ đề siêu hình, và thành lập ashram đầu tiên ở Canada. Năm 1963, ashram chuyển đến vùng Đông Nam British Columbia và đổi tên là Yasodhara.

Hellman,  sau đó được biết đến là Swami Sivananda Radha đã viết hơn chục cuốn sách; sáng lập một nhà xuất bản, Timeless Books; lập ra một tạp chí hàng quý sau này trở thành tạp chí yoga quốc tế Ascent; và mở một chuỗi trung tâm yoga đô thị.

Trong những năm đầu tiên, hầu hết các học viên của Swami Radha là nam giới. “Chúng tôi tự gọi nhóm mình là Bạch Tuyết và bảy chú lùn,” bà kể lại với tạp chí Yoga Journal. Theo thời gian, ngày càng có nhiều học viên nữ đến Yasodhara, bị thu hút bởi các khóa học “ Phụ nữ và cuộc sống tâm linh” cũng như tính cách mạnh mẽ của Swami Radha. Đến nay, số lượng học viên nữ đã vượt hơn hẳn học viên nam. Hai năm trước khi qua đời vào năm 1995, Swami Radha đặt tên cho một học viên nữ là Swami Radhananda với tư cách là người kế thừa tinh thần của bà và đặt ra điều lệ là phụ nữ luôn là bánh xe tâm linh của viện Yasodhara. “Đã có rất nhiều lãnh đạo nữ đầy mạnh mẽ, nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng truyền thừa sự lãnh đạo của họ cho phụ nữ khác,” Swami Latinananda, người đã sống và học tập với Swami Radha trong hơn 20 năm. “Bà ấy thật sự mong muốn phụ nữ nhận ra khả năng lãnh đạo tiềm năng của mình trong vai trò lãnh đạo tinh thần.”

Mặc dù được thiền sư của mình truyền cảm hứng và hướng dẫn việc luyện tập cường độ cao ở ashram của ông, Swami Radha vẫn điều chỉnh việc giảng dạy của bà đối với người phương Tây. “Bà ấy hiểu những người phương Tây suy nghĩ thế nào,” Swami Lalitananda kể lại. “Chúng tôi đặt câu hỏi. Chúng tôi không đơn thuần chấp nhận mọi việc. Trong văn hóa của chúng tôi chúng tôi không được huấn luyện phải quỳ cúi đầu trước bàn chân của giáo viên. Bà ấy thực tế hơn.” Thay vì tập trung vào các triết lý mang tính trừu tượng, bà hướng dẫn mọi người về hướng hiểu rõ bản thân hơn và trân trọng sức mạnh cá nhân. “Điều chính yếu tôi muốn làm là giúp học sinh nâng cao chất lượng cuộc sống của họ,” bà nói với tạp chí Ấn Độ Giáo Ngày Nay vào năm 1988. “Đối với tôi, mọi người không thể sống dựa vào tâm linh nếu điều này không tồn tại trong cuộc sống của họ – cho dù họ ngồi thiền mỗi ngày 6 tiếng.”

Các khóa học và khóa tu ở Yasodhara kết hợp những thực hành được tìm thấy trong các văn bản yoga cổ xưa và những kiến thức tìm thấy trong sách tâm lý học hiện đại, ví dụ như các phân tích về giấc mơ. Và cả những thực hành không tìm thấy ở bất cứ nguồn nào, như là Lời cầu nguyện ánh sáng thiêng liêng, một bài thực hành đứng mà Swami Radha được học trong chuyến đi trải nghiệm ở Ấn Độ.

“Có rất nhiều phụ nữ đến đây và giúp đỡ. Họ đã ở lại và học rất nhiều về bản thân họ và sức mạnh của họ. Ashram này vẫn vận hành dựa trên những lý tưởng mà Swami Radha mong muốn. Như là bà vẫn ở đâu quanh đây.”

Ngôn ngữ ẩn giấu của Hatha Yoga

Ngay trước khi Swami Radha rời Ấn Độ, thiền sư của bà trao cho bà một nhiệm vụ “Ông ấy nói, ‘Bây giờ ta muốn con khám phá các mức độ tâm linh và thần bí của asana và báo cáo lại cho ta.’ Bà trả lời. ‘Thưa thầy, con còn không hiểu thầy đang nói về điều gì. Thầy có thể cho con ví dụ không.’” Và ông đã cho bà ví dụ về tư thế headstand “Ông nói, ‘Khi con vào thế headstand, có giống như con đang quay ngược thế giới của mình phải không. Vậy điều gì xảy ra nếu thế giới của con bị quay ngược như vậy? Con khám phá thế giới bằng một cách hoàn toàn khác. Và trong tư thế này, con không thể đi, không thể bước. Ở trong tư thế này, như thể là con đang thực hiện một cam kết. Và bàn chân của con, vốn thường đặt trên mặt đất, lúc này như thể đặt trên thiên đàng.”

Swami Radha đã bắt đầu từ những lời dạy này và phát triển môn thực hành nhẹ nhàng, mang tính thiền định gọi là Ngôn ngữ ẩn giấu của Hatha Yoga. Bà sẽ yêu cầu học viên chọn một tư thế và hỏi họ cái tên của asana khơi gợi điều gì. Họ cảm thấy thế nào khi chuyển động vào tư thế; tư thế đó thể hiện điều gì trong cuộc sống của họ? Một cú vặn mình có thể mang tính ẩn dụ về một bước ngoặt trong đời người hoặc là cái cách tâm trí chúng ta xoay chuyển. Học viên sẽ viết lại quan sát của mình về asana và thảo luận với nhau cuối buổi học. “Trải nghiệm cá nhân của mỗi người sẽ xuất hiện, và họ sẽ hiểu thêm điều gì đó về bản thân một cách khác,” Swami Lalitananda nói về môn tập luyện mà bà vẫn thực hành đến ngày nay. “Nó như là mở ra những bí mật trong đời người mà cơ thể chúng ta đang nắm giữ.”

Nguồn: Yoga International

Dịch bởi Yogavietnam