Vài ngày sau lễ Losar, ngày Tết cổ truyền Tây Tạng, mùa xuân dường như đang bắt đầu trên đồng bằng Kangra, nằm ở phía Bắc Ấn Độ thuộc tỉnh Himachal Pradesh. Hoa giấy và mộc lan đã nở rộ, làm sáng lên màu xanh vốn quá nổi trội của khu vực này. Thời tiết đã nóng dần khi taxi của chúng tôi đỗ trước cổng tu viện Dongyu Gatsal Ling, một cộng đồng gồm chín mươi ni sư Phật giáo do Tenzin Palmo thành lập cách đây gần mười lăm năm.

Ngay lập tức chúng tôi tự hỏi điều gì thúc đẩy Diane Perry, một người phụ nữ trẻ lớn lên tại Luân Đôn, lại chấp nhận buông bỏ mọi thứ và chuyển đến Ấn Độ, cạo đi những lọn tóc xoăn màu hạt dẻ xinh xắn để trở thành ni cô phương Tây thứ hai trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Hiện giờ được biết đến là Tenzin Palmo, bà đã hơn 70 tuổi và những gì bà đã làm được trở thành nguồn cảm hứng sống.

Chúng tôi đến tới cửa tu viện. Bà chào đón chúng tôi với nụ cười rộng mở và cái bắt tay chắc gọn, đầy hào phóng. Bà khiêm tốn đồng ý kể về bản thân mình.

Cô gái Diane sinh năm 1943 và là đứa con duy nhất của gia đình. Lúc nhỏ, bà bị hấp dẫn một cách bất thường về Châu Á. “Tôi dành nhiều giờ chỉ để vẽ những người phụ nữ Nhật bản trong trang phục kimono,” bà nhớ lại, và khi nhà hàng Châu Á đầu tiên khai trương tại Luân Đôn, bà muốn đi vì “muốn nhìn thấy những khuôn mặt Châu Á”. Trong thời kì thanh niên, những chủ đề về sự đau khổ, tuổi già, và cái chết luôn ám ảnh bà. Bà nhớ rằng lúc đó mình 13 tuổi, nhìn một chiếc xe bus đi ngang qua, quan sát những con người đang chuyện trò và cười đùa. Phản ứng của bà khá bất ngờ: “Họ không nhận ra rằng, họ không biết điều gì sắp xảy đến với mình sao?”

 “Quyển sách Phật giáo đầu tiên tôi được đọc năm 18 tuổi đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của tôi,” bà kể. Khi bà đọc được nửa quyển sách, bà tuyên bố “Con là người theo đạo Phật.” – và mẹ bà đã trả lời, “Con đọc hết sách đi và chúng ta sẽ nói về điều đó sau!” Nhưng Diane đã tìm thấy con đường tâm linh cho mình và đeo đuổi nó với tất cả sức mạnh của mình.

Cuộc gặp gỡ với đức Chögyam Trungpa ở Luân Đôn đã định hướng cho bà đến với Phật giáo Tây Tạng và tìm kiếm minh sư cho riêng mình. Vào tháng 2/1964, bà khởi hành trên chuyến tàu đi Bombay và rồi đi tiếp đến phía Bắc Ấn Độ, nơi bà tìm được công việc giáo viên tiếng Anh ở một trường học cho các Lạt ma trẻ. Cùng lúc đó, hiệu trưởng của trường nhận được một lá thư từ Nhiếp chính vương Khamtrul Rinpoche đời thứ 8, vừa lưu vong từ Tây Tạng đến Ấn Độ. “Chỉ nghe tên ngài ấy thôi,” Palmo nhớ lại, “Tôi biết ngài có thể là vị sư phụ mình đang tìm kiếm.”

Khi ông đến trường vài tuần sau đó, bà đã vội chào đón ông, mà không sợ hãi nhìn trực tiếp vào mắt ông. Bà thì thầm với vị hiệu trưởng: “Hãy nói với ngài là tôi cũng muốn quy y với ngài.” “Dĩ nhiên,” ngài trả lời. “Tôi biết ngay lập tức,”  bà nói,  “rằng ngài sẽ là sư phụ của tôi. Và ngài biết ngay lập tức rằng tôi là đồ đệ của ngài.” Nhiếp chính vương thứ Tám tấn phong cho cô gái Diane trẻ tuổi và trao cho cô cái tên Tenzin Palmo.

Bà đã cùng Nhiếp chính vương đến viện Tashi Jong ở Himachal Pradesh, nơi bà khám phá ra sự tồn tại của các hành giả, “những người nhận ra bản chất của tâm trí và có khả năng kiểm soát nó, sau 15 năm tu ẩn.” Với mái tóc cuốn lọn dài và tấm vải trắng quấn quanh cơ thể, những yogi này được biết đến với khả năng tâm linh lạ thường. Vị ni sư trẻ học được rằng khi còn ở Tây Tạng, sư thầy của cô sống cùng các hành giả nữ, nhưng họ không sống sót khỏi cuộc cách mạng văn hóa của Trung Quốc.

 “Lúc đó tôi mới nói với sư phụ mình rằng tôi muốn trở thành một hành giả nữ. Ông đã rất vui mừng. Ông nói rằng đã luôn cầu nguyện cho tôi lập lại trật tự này. Tuy nhiên, khi các sư thầy nghe đến dự án này, họ tuyên bố “một người phụ nữ không thể sống cùng các hành giả.” Và vì thế, tôi phải từ bỏ.” Bà là ni cô duy nhất trong số hàng trăm sư thầy. “Tôi lập lời thề sẽ tái sinh trong hình dạng nữ cho đến khi đạt giác ngộ.”

Tenzin Palmo mới chỉ 26 tuổi khi Nhiếp chính vương thuyết phục bà bế quan ẩn cư và gửi bà đến Lahaul, gần Keylong. “Chuyến ẩn cư này là một điều hướng đạo cho tôi, đó là điều mà tôi được kêu gọi phải làm trong đời mình.” bà nhớ lại. Hang động bà chọn cho mục đích bế quan ở độ cao 4300m, rất khó lui tới. Và bà đã dành 12 năm tại đây.

Mùa đông năm nọ, sau 7 ngày bão tuyết liên tục, Tenzin Palmo phát hiện cửa hang đã bị tuyết bịt kín và bà đang bị giam cầm trong hang. Ban đầu bà chuẩn bị tinh thần cho việc bị chôn sống tại đây, nhưng rồi bà nghe có tiếng nói bên trong “Hãy đào đi!” Ngay lập tức bà cầm lấy cái xoong và bắt đầu đào. Sau nhiều phút thật dài, thật đáng sợ, bả cảm nhận được luồng không khí bên ngoài. Tuy nhiên, khi bà quay trở lại hang động, bà “nhận ra rằng nguồn không khí xung quanh không hề ô nhiễm mà lại còn trong lành. Đó là cách mà tôi khám phá ra hang động và thở tuyết và biết rằng mình sẽ không chết.”

“Một lợi thế khác của hang động,” bà nói, là nó luôn cho bạn khoảng không gian cần thiết cho sự tập trung tuyệt đối. Và đối với tôi đó là nguồn gốc của niềm vui to lớn. Tôi không cần phải đến nơi nào khác nữa.” Bà có gặp khó khăn nào không? “Dĩ nhiên, một vài ngày thì tuyệt vời và cũng có những ngày khó chịu cực kì khi mà tôi ước mình có thể làm gì khác thay vì ngồi và thiền! Nhưng, những thay đổi này là tự nhiên. Cho dù mưa hay nắng thì cũng không quan trọng. Thời tiết thay đổi và chúng ta vẫn tiếp tục thiền.” “Có phải là phụ nữ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi sống khổ hạnh trên núi?” “Không hề chút nào,” bà trả lời.

Tiếp theo chúng tôi hỏi về những hoạt động mà bà lãnh đạo vì lợi ích phụ nữ. Sự nhiệt tình của bà quả là không đo đếm được.

Dự án tu viện Dongyu Gatsal Ling bắt đầu một thời gian sau chuyến tu ẩn của bà. Tenzin Palmo đã thực thi một yêu cầu từ sư phụ của mình: “thành lập một cộng đồng cho các thiếu nữ vùng Himalaya (như Ladakh, Bhutan, Spiti, Nepal), những cô gái muốn trở thành sư ni và học theo dòng truyền thừa Drukpa Kagyu.” Khi hoạt động của bà trong việc giới thiệu lại dòng dõi Togdenma đã bắt đầu thành hình, bà ngợi khen sự tận tuỵ của các sư ni “họ không những nghiêm túc học hỏi Phật giáo Tây Tạng và các văn bản thành lập nên truyền thống này, mà còn thực hành các nghi thức với nhiều cống hiến. Kết thúc khoá học, họ có thể quyết định có tham gia một chuyến ẩn dật dài hay không.”

“Xuyên suốt lịch sử Tây Tạng,” bà nói “đã có rất nhiều thiền sư nữ, yogi nữ nhưng rất ít tài liệu viết về họ, nên ít ai biết đến họ.” Nhưng con sóng đã thay đổi. “Sau khi bị lờ đi, không để ý và bị đánh giá thấp bởi xã hội Tây Tạng, các ni cô đã dần được biết đến nhiều hơn. Mọi người có nhận thức về sự tồn tại của họ và mang đến sự ủng hộ thật sự. Và rồi sẽ sớm có một geshema (Bằng cấp geshe tương đương với bằng tiến sĩ trong nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng, và gần đây nhất cũng chỉ trao cho nam giới.) Bắt đầu từ đây, không gì mà bạn không làm được trong hình hài người phụ nữ.”

Im lặng một chút, hàng lông mày của bà tối lại. “Những người vẫn chưa được nhận lợi ích gì là các ni cô không đến từ vùng Himalaya. Không chỉ là sư ni phương Tây mà còn từ Đài Loan hay Việt Nam và những nơi khác đã tham gia phong trào Tây Tạng. Họ không nhận được hỗ trợ tài chính và ủng hộ tinh thần từ ai cả. Trong hầu hết các trường hợp, họ dành cả đời vận hành các trung tâm Phật giáo Tây phương và phải chi trả tiền thuê nhà, điện nước mà không có thu nhập gì. Đây là lý do mà tôi đảm nhiệm việc thành lập Tổ chức các sư ni không thuộc vùng Himalaya, để họ có thể liên lạc với nhau và không còn bị cô lập.

Nhưng điều đầu tiên cần làm là truyền đi thông tin rằng họ tồn tại để mọi người đều biết. Nó cũng như khi tôi bắt đầu với các sư ni vùng Himalaya 20 năm trước. Đầu tiên mọi người nói “Oh! Có ni cô à? Tôi không hề biết đấy…” Và rồi, họ hỏi: “Tôi có thể làm gì để giúp họ?” Đó là lúc tôi có thể quyên góp tiền để xây dựng tu viện này. Và bây giờ đến lúc chăm sóc cho các ni cô không đến từ vùng Himalaya.” Thật vậy, vào tháng 6/2015, bà tham dự hội thảo Sakyadhita (Hiệp hội Phật giáo nữ Quốc tế), một hội thảo quốc tế tập trung các nữ tín đố Phật giáo thành lập năm 1987 và bà đã là chủ tịch từ năm 2013. Bài trình bày của bà nói về những ni cô không phải người Himalaya.

Năm 2008, đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đề nghị trao cho bà danh hiệu Jetsunma (có nghĩa là Đạo Sư Tôn Quý) để công nhận sự trưởng thành tinh thần và các hoạt động của bà cho phụ nữ, ban đầu Tenzin Palmo đã từ chối danh hiệu cao quý đó. “Nhưng” bà nói “tôi nhận được nhiều email nói rằng danh hiệu ấy tuyệt vời nhường nào và nó đề cao vai trò của người phụ nữ như thế nào, đến nỗi tôi nhận ra danh hiệu chẳng có ý nghĩa gì với tôi nhưng lại liên quan chung đến giới nữ. Và vì thế, tôi chỉ có thể nói cám ơn.” Vì vậy bà tận dụng cơ hội trình bày với đức Gyalwang Drukpa về những cái tên thường trao cho ni cô, như Ani (cô) hay Chomo (người phụ nữ của ngôi nhà). Bà đề nghị tên “Tsunma” – một cái tên đề cập đến thứ gì cao quý, thanh nhã, tinh khiết. Các ni cô ủng hộ ý tưởng này và bắt đầu gọi nhau bằng tên đó. “Khi đức Karmapa đến thăm tu viện Dongyu Gatsal Ling vào năm 2014, tôi nhận ra rằng ngài cũng dùng từ này. Điều đó thật tuyệt. Âm thanh của từ này ngay lập tức cho ấn tượng tích cực trong tâm trí người Tây Tạng và bạn biết rằng chúng tôi bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ nhiều như thế nào.”

Nguồn: Lion Roar

Dịch bởi Yogavietnam