Thiền sinh chia sẻ _Hương Nguyễn 

“Nghệ thuật sống luôn mỉm cười, để khi chết cũng vẫn giữ nụ cười trên môi”

Tôi đã suy nghĩ khá lâu trước khi quyết định có những chia sẻ này vì thiền định là những trải nghiệm hoàn toàn mang tính cá nhân, vốn không phải là chuyện nên đem ra kể lể, càng không mong vì mục đích thu hút sự chú ý cho bản thân. Thế nhưng chắc cũng giống như tôi, rất rất nhiều người đã từng tham gia khoá thiền 10 ngày Vipassana đều có một mong muốn lớn lao là được chia sẻ những điều tuyệt vời mà mình đã cảm nhận để những lợi lạc mà mình nhận được sẽ tiếp tục lan toả đến cho ai đó có thể đang rất cần nó lúc này.

Tôi sẽ kể câu chuyện của mình nhé, biết đâu bạn sẽ thấy 1 phần của mình trong đó, biết đâu đây là điều bạn cũng đang kiếm tìm để cuộc sống của mình trở nên an lạc, hạnh phúc hơn và trọn vẹn hơn.

Nhiều người quanh tôi vẫn nhận xét là tôi có một cuộc sống thật may mắn, có một người chồng giỏi giang, hết mực yêu thương gia đình, có những đứa con xinh đẹp, ngoan ngoãn, có bố mẹ hai bên rất tâm lý, còn khoẻ mạnh và lại còn thân thiết với nhau, kinh tế và công việc nói chung đều ổn. Đúng, mọi sự thật vẹn toàn và thực lòng tôi luôn biết ơn về sự may mắn đó. Tuy nhiên, trong sâu thẳm bên trong, tôi vẫn thấy có gì đó không ổn… và sự không ổn đó lại chính là bản thân tôi. Tính tôi vốn là người rất cầu toàn và khá nguyên tắc. Vì vậy những gì trái với nguyên tắc, những gì không đủ tiêu chuẩn của sự cầu toàn này, những điều bất như ý có thể làm tôi thấy không thoải mái, khó chịu, bực bội hoặc giận dữ. Tôi cũng vẫn quan sát thấy những khoảnh khắc trong tâm mình còn đầy sự đố kỵ, ích kỷ, hẹp hòi và đôi khi cảm thấy mình đang tự khổ sở về điều đó. Mỗi khi đứng trước ban thờ Phật, tôi cũng hay đọc những lời sám hối kiểu như “con xin luôn nhắc mình gạt bỏ bớt tham – sân – si”, lúc đấy thì cũng thành tâm lắm đấy, nhưng ko hiểu sao sau đó khi rơi vào các tình huống thì thấy mình vẫn đi vào vết xe cũ, mặc dù có thể sau đó hoặc thậm chí ngay lúc đó đã biết là có gì sai sai rồi nhưng không hiểu sao vẫn không thể kiểm soát cảm xúc của mình được. Giống như kiểu lý trí thì cố dẫn dắt đấy nhưng tâm thức thì vẫn không chịu đi theo. Bên ngoài trông tôi có vẻ phẳng lặng như mặt hồ nhưng thật ra bên trong đang chứa đầy những bất định. Cũng may là tôi vẫn còn có sự quan sát để nhận ra điều này. Cần phải làm một cái gì đó để thay đổi trước khi những thói quen phản ứng này bị bắt rễ trong tâm thức của tôi.

Tôi bắt đầu tìm nghe những bài pháp thoại, bắt đầu tìm hiểu về những phương pháp thiền. Tự thấy chút xấu hổ vì mặc dù tập yoga từ khá lâu thế nhưng tôi vẫn không sẵn sàng để thiền. Tôi luôn tìm ra một lý do gì đó và cái gần nhất với thiền mà tôi có thể làm chỉ là ngồi tập thở, thiền tĩnh tâm 15-20 phút là cùng và cũng không thường xuyên. Cũng có thể những phương pháp thiền mà tôi được tiếp cận trước đó có gì đó chưa được thuyết phục do nó chưa hoàn toàn phù hợp tính cách của tôi vì tôi là người khá thiên về tư duy biện chứng, phải có tính logic, khoa học cụ thể chứ ko chỉ bằng niềm tin, cũng có thể cái duyên nó chưa đến.

Còn về lý do vì sao tôi đến với Vipassana? Trong những bài pháp thoại mà tôi rất thích nghe có các bài giảng của thày Thích Minh Niệm trong đó thầy có nhắc khá nhiều đến phương pháp thiền này. Thật ra tôi đã nghe đến Vipassana từ khá lâu rồi nhưng vẫn có cảm giác là phương pháp này quá hà khắc. Hà khắc nhất với tôi là phải giữ yên lặng tuyệt đối (sự yên lặng thánh thiện) và ngồi thiền hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày trong suốt 10 ngày. Với tôi, ngồi 20 phút đã khiến tôi bồn chồn lắm rồi. Nhưng qua những bài giảng của thày Minh Niệm và sau một lần vô tình nói chuyện với một người bạn đã hai lần tham gia khóa Vipassana 10 ngày, khi nghe anh nhiệt tình chia sẻ những cảm nhận về phương pháp này và sự tuyệt vời của nó, tôi mới bảo “ô, có vẻ như đúng cái mình đang tìm, có vẻ rất hợp với cách suy nghĩ của mình về thiền” và điều này càng tiếp thêm động lực. Tôi bắt đầu tìm hiểu nghiêm túc về Vipassana, tìm kiếm các thông tin trên mạng, nghe đi nghe lại các bài pháp thoại của thiền sư S.N Goenka. Và càng tìm hiểu, tôi càng thấy say mê và kiểu như muốn reo lên “Eureka, tìm ra rồi”. Và cuối cùng cơ duyên đã đến, đúng như câu nói “khi người học trò đã sẵn sàng thì người thầy sẽ xuất hiện”.

S.N Goenka là một Thiền sư cư sĩ Vipassana theo truyền thống của Đại thiền sư quá cố Sayagyi U Ba Khin, người Miến điện. Sau khi thụ huấn với sư phụ được mười bốn năm, Ông Goenka về cư ngụ tại Ấn độ và bắt đầu giảng dạy Vipassana vào năm 1969. Phương pháp mà Thiền sư S.N. Goenka giảng dạy tiêu biểu cho một truyền thống có từ thời của Đức Phật. Đức Phật không hề giảng dạy một giáo phái nào; Ngài giảng dạy Dhamma (Pháp) — con đường giải thoát — là đường lối phổ quát. Cùng một truyền thống đó, đường lối của Ông Goenka cũng hoàn toàn không tông phái. Vì lý do này, sự giảng dạy của Ông thu hút mạnh mẽ mọi người thuộc mọi giai cấp, mọi tôn giáo hoặc không theo tôn giáo nào, và từ khắp nơi trên thế giới – Wikipedia

Tôi sẽ không nói nhiều về nguyên tắc giáo lý hay đi sâu về kỹ thuật của phương pháp này vì các thông tin có đầy trên mạng, các bạn có thể tìm hiểu dễ dàng và nếu sau đó bạn quyết định đến với phương pháp này thì hãy để những điều này được truyền đạt lại một cách đầy đủ từ các vị thầy.

Tôi sẽ chỉ nói một vài cảm nhận rất riêng sau khi tham gia vì có thể nó sẽ làm thay đổi định kiến của một số bạn về Vipassana hay về thiền.

  1. TÍNH THỰC TIỄN VÀ KHOA HỌC
    Mặc dù dựa trên nền tảng giáo lý của đạo Phật, phương pháp thực hành Vipassana hoàn toàn không mang tính tâm linh hay tôn giáo. Bất kỳ ai thuộc tôn giáo nào cũng có thể thực hành trong khi vẫn giữ những đức tin của họ. Theo Đức Phật, nỗi khổ hay những sự bất như ý là chung cho tất cả, không có sự phân biệt nỗi khổ của người nước này hay nước khác, tôn giáo này hay tôn giáo khác… vì vậy liều thuốc phải là chung cho tất cả. Tôi thấy cùng tham gia trong khóa thiền có các ni cô, sư thày, có những bạn, những cô theo công giáo, có người VN, người nước ngoài.

Vipassana – có nghĩa là thấy sự việc đúng như thật, được thực hành dựa trên mối tương quan mật thiết giữa tâm và thân thông qua việc quan sát những cảm giác trên cơ thể. Bắt đầu bằng việc quan sát một thực tế tự nhiên và không ngừng thay đổi chính là hơi thở, bằng việc giới hạn sự cảm nhận của mình trong một khu vực nhỏ và với phạm vi được thu hẹp dần, tâm trí của bạn sẽ từng bước trở nên vô cùng nhạy bén. Quá trình này giống như việc tôi luyện một lưỡi dao cho nó đủ sắc để có thể bóc tách được từng lớp vỏ bọc dày chắc chắn, hết lớp này đến lớp khác được tạo bởi những thói quen phản ứng trước đây đã được tích lũy qua nhiều năm tháng. Khi lưỡi dao đã đủ sắc, khi tâm trí đã trở nên nhạy bén hơn, việc thực hành sẽ chuyển sang giai đoạn thứ hai là quan sát những cảm giác trên toàn bộ cơ thể, hiểu được bản chất của cảm giác và phát triển sự bình thản, quân bình bằng cách học để không phản ứng lại cảm giác. Một cách vô thức hay có ý thức, tất cả những cảm xúc của chúng ta đều có liên quan mật thiết với những cảm giác, những phản ứng hóa học tương ứng diễn ra trên cơ thể. Vì vậy, khi chúng ta làm việc với những cảm giác trên thân, chúng ta đang tiếp cận với những tầng sâu bên trong của tâm vô thức. Cùng với sự ý thức về bản chất vô thường (impermanent) của mọi sự vật, bằng việc giữ tâm luôn bình thản để chỉ quan sát mà không phản ứng lại những cảm giác trên thân dù là dễ chịu hay khó chịu, những khuôn mẫu thói quen cũ trước đây của tâm vô thức sẽ dần thay đổi, dẫn đến sự thay đổi từ gốc rễ những phản ứng của tâm có ý thức chứ không còn chỉ là sự ép buộc về mặt lý trí. Đơn giản vậy thôi nhưng tôi thấy nó vô cùng logic.

2. TÍNH KỶ LUẬT
Việc cần phải tuân thủ những kỷ luật khắt khe, thậm chí tưởng chừng như hà khắc là điều khiến nhiều người e ngại lúc ban đầu trong đó có tôi. Nhưng sau khi tham gia xong thì tôi lại thấy điều đó thật tuyệt vời. Đúng như vậy, nếu nghiệm lại thì trong bất kỳ tình huống nào, thành công chỉ đến với người thật sự kỷ luật với chính bản thân hay với công việc của họ. Không có sự thành công nào lại đến cùng với sự dễ dàng, nương nhẹ và không có kỷ luật cả, nếu có thì đó cũng chỉ là sự may mắn nhất thời.

Chỉ có thể với khoảng thời gian ít nhất 10 ngày sống trong một môi trường tinh khiết hoàn toàn như những người đang tu tập, cắt bỏ hoàn toàn mọi liên hệ với thế giới bên ngoài kể cả điện thoại di động hay internet, với việc giữ im lặng gần như tuyệt đối mới có thể giúp ta có đủ thời gian để kịp lắng dịu tâm hồn mình, đủ tĩnh để không bị phân tán bởi những xao động, phiền nhiễu xung quanh và thực sự chỉ còn sự lựa chọn là hướng quan sát vào bên trong nội tâm và cơ thể của chính mình. Thông thường cuộc sống hàng ngày khiến tâm trí chúng ta luôn bận rộn với việc giải quyết những chuyện bên ngoài, với việc nói chuyện với người khác, với việc của người khác, có mấy khi ta nhớ ra nói chuyện với chính mình đâu, và chỉ khi ta dành thời gian hoàn toàn giao tiếp với mình ta mới giật mình hóa ra tâm ta cũng nhiều điều muốn nói đến thế, cũng có nhiều việc cần ta phải giải quyết như thế.

Thiền định không phải là một việc dễ dàng, thay đổi thói quen không phải là một việc dễ dàng, từng bước để cơ thể thích nghi dần, từng bước để tâm trí trở nên sắc bén hơn, có những cảm nhận sâu hơn không phải là việc dễ dàng và nhanh chóng mà làm được, Chỉ có thể bằng việc thực hành liên tục trong 10 ngày, với thời gian liên tục hơn 10 tiếng mỗi ngày như vậy mới đủ để trang bị cho bạn không chỉ kiến thức mà cả sức mạnh về thể chất và tinh thần để sau khi hoàn thành khóa học bạn hoàn toàn sẵn sàng quay về đời sống thường nhật mà vẫn duy trì được thói quen này dù khi đó sẽ không còn ai giám sát hay yêu cầu bạn nữa. Tất nhiên điều này sẽ luôn đòi hỏi sự kiên trì, kỷ luật không ngừng nhưng chúng ta đã được trang bị bước khởi đầu hết sức thuận lợi.

Thêm một vài lời khuyên nếu bạn có ý định tham gia:

 XÁC ĐỊNH RÕ MỤC ĐÍCH CỦA MÌNH LÀ GÌ
Mỗi người khi tìm đến thiền sẽ có những mục đích khác nhau, cái phù hợp với người này chưa chắc đã phù hợp với người khác nên luôn cần xác định rõ mục đích của mình và tìm hiểu thông tin càng nhiều càng tốt. Đừng quyết định chỉ vì bạn tò mò, muốn thử trải nghiệm, vì nó đang là trào lưu hay vì nghe người khác vô cùng ca tụng nó. Nếu sau khi tìm hiểu và với những thông tin ban đầu như vậy bạn vẫn thấy thực sự nó là phù hợp thì sự trải nghiệm của bạn sẽ sâu sắc hơn rất nhiều và giá trị nhận được cũng lớn hơn rất nhiều. Còn nếu không thì quả thật nó có thể là một sự tra tấn.

CHUẨN BỊ SẴN SÀNG VỀ THỂ LỰC VÀ TINH THẦN
Trước khi tham gia ít nhất 2-3 tháng, bạn nên có sự chuẩn bị cả về thể lực và tinh thần. Những bài tập Yoga tập trung vào việc làm mạnh các cơ vùng lưng, mở vùng khớp háng sẽ rất phù hợp cho việc ngồi thiền lâu. Bạn cũng nên bắt đầu tạo thói quen ngồi thiền mỗi ngày (nếu chưa biết kỹ thuật nào cả thì chỉ cần đơn giản là quan sát hơi thở tự nhiên), bắt đầu từ 15-20 phút, tăng dần lên 25, 30, 45, 50 phút rồi 1 tiếng. Ban đầu ngày 1 lần, sau tăng ngày 2 lần sáng/tối nếu có thể. Sự chuẩn bị này sẽ giúp cho bạn rất nhiều, giảm bớt những khó chịu, đau đớn về cơ thể khi ngồi thời gian dài, đặc biệt trong những giờ Adhitthana (giờ ngồi thiền với quyết tâm mạnh mẽ khi thiền sinh được yêu cầu ngồi yên không cử động hoặc hạn chế tối đa cử động tay chân trong 1 tiếng)

Hình ảnh thiền đường Vipassana. Trong suốt khóa thiền, thiền sinh sẽ ra vào thiền đường này, ngồi dúng vị trí được chỉ định và ngồi hơn 10 tiếng một ngày bắt đầu từ 4.30 sáng và kết thúc lúc 9h tối.

 

ĐẾN VỚI MỘT ĐẦU ÓC CỞI MỞ
Hãy luôn cởi mở để đón nhận, đừng vội nhận xét hay định kiến gì nhất là trong một vài ngày đầu tiên. Có thể có những lúc bạn sẽ thấy điều gì đó hơi kỳ cục, hơi mơ hồ những hãy cứ kiên nhẫn và tiếp nhận thôi đã nhé. Từng bước, từng bước mọi thứ sẽ được sáng tỏ và kết nối với nhau cực kỳ logic.

Hiện các khóa học Vipassana được tổ chức thường xuyên tại VN (Hà Nội & TP HCMC) và rất nhiều nước trên thế giới. Để biết thông tin về lịch các khóa học tại VN và cách thức đăng ký, các bạn có thể tham khảo tại đây:
http://www.vn.dhamma.org/cac-khoa-thien-tai-viet-nam/

Đây là các khóa học hoàn toàn miễn phí, ngay cả chi phí ăn ở. Những người tham gia việc giảng dạy hay phục vụ tại các trung tâm thiền đều không nhận bất cứ thù lao nào. Mọi phí tổn đều đến từ sự đóng góp của những người đã từng tham dự và được hưởng những lợi lạc từ Vipassana và muốn cho những người khác cũng có cơ hội được hưởng lợi lạc tương tự.

Các bạn cũng lưu ý thêm là đối với mỗi khóa học, trung tâm bắt đầu nhận đăng ký ghi danh 3 tháng trước ngày khai giảng. Tuy nhiên, việc đăng ký khá là khó vì các khóa học đều full rất nhanh. Vì vậy, để đăng ký được thì một tip được mọi người chia sẻ là thông thường sẽ phải canh từ đêm trước đó (ví dụ: ngày 17/12 bắt đầu nhận đơn ghi danh thì nên canh từ đêm 16/12 để có thể đăng ký ngay khi bắt đầu mở trên mạng vì nếu không đến sáng ngày 17 là có thể hết chỗ luôn rồi).

Sau một khóa học 10 ngày như vậy chắc chắc sẽ không thể ngay lập tức làm thay đổi cuộc đời bạn hay biến bạn thành 1 người hoàn hảo, chúng ta sẽ vẫn mắc những sai lầm, vẫn có thể lặp lại những thói quen cũ, vẫn có những bất định trong tâm nhưng với sự quyết tâm và kiên trì thực hành mỗi ngày, chắc chắn cuộc sống của ta sẽ có những biến chuyển tích cực và bản thân tôi cũng đang cảm nhận được sự thay đổi này.

Tôi thành tâm gừi một lời cầu chúc,  lời mà các thiền sinh trong khóa 10 ngày được nghe mỗi ngày từ người thầy đáng kính và giờ nó đã in sâu trong tâm trí chúng tôi

Nguyện cho tất cả chúng ta được hưởng an lạc thực sự, hạnh phúc thực sự, hòa hợp thực sự

Bhavatu Sabba Mangalam