Geeta Iyengar không dễ bị mệt mỏi. Vào ngày cuối cùng của hội thảo Iyengar Yoga Odyssey, một chương trình 5 ngày tổ chức tại Pasadena, California, Geeta đã mời một vài giáo viên tới phòng nghỉ của mình để ăn món Ấn Độ. “Tôi mệt quá không đi nổi”, Patricia Walden một giáo viên cao cấp bật cười, cô cũng nói rằng lời mời đó tiêu biểu cho lối sống không biết mệt mỏi của con gái B.K.S Iyengar: “Khi Geeta còn ở Pune, bà ấy lúc nào cũng phục vụ gia đình, học viện và cả các học trò của mình.” Chính sự hào phóng và năng lượng tích cực này đã đưa Geeta Iyengar đi xuyên nước Mỹ từ tháng Tư tới tháng Năm trong một tour giảng dạy kéo dài cả tháng trời.

Mặc dù hầu hết người Mỹ không thuộc cộng đồng Iyengar Yoga đều biết tới B.K.S Iyengar, nhưng có rất ít người quen thuộc với cái tên Geeta Iyengar. Tuy vậy, rất nhiều người trong cộng đồng đã được học tập liên tục nhiều năm với Geeta Iyengar tại Pune, Ấn Độ ở học viện Ramamani Memorial Yoga Institute, nơi bà và em trai Prashant dạy hầu hết các lớp học. Nhiều người đã đọc và giới thiệu nhau cuốn sách mang tính đột phá của bà “Yoga: Một viên ngọc cho phụ nữ” (NXB Timeless Books, 1995). Nhiều người yêu quý và kính trọng Geeta Iyengar, một giáo viên am hiểu, quyết đoán, đầy thuyết phục theo cách của riêng bà. Điều này có thể thấy rõ ở sự kiện yoga.  Khi các giáo viên dạy Iyengar cấp cao người Mỹ một cách tận tâm và tôn kính, họ hỗ trợ làm mẫu các tư thế cho bà Iyengar, trợ giúp các học viên trong các buổi luyện thở Pranayama và tập asana hàng ngày. Sau giờ hỏi đáp, một số giáo viên đã xúc động khóc khi họ công khai cảm ơn bà Iyengar, vì sự rộng lượng và hiểu biết của bà.

Cuộc đời bà Iyengar không hề dễ dàng. Vào năm 9 tuổi, bà được chẩn đoán bị bệnh thận nặng. Lúc này gia đình không có đủ khả năng để chạy chữa thuốc thang, theo lời cha bà, hoặc là tập yoga hoặc chờ chết. Năm 1973, bà Ramamani mẹ của Geeta đột ngột qua đời (sau này tên bà được đặt cho học viện). Lúc này, trở thành người chăm lo chính cho gia đình, Geeta chuẩn bị các bữa ăn và còn đảm nhiệm nhiều công việc hành chính ở học viện. “Bà trả lời mọi bức thư nhận được” một giáo viên tham gia buổi lễ mừng sinh nhật 80 tuổi của B.K.S Iyengar ở Pune năm 1998 chia sẻ.

Tại buổi lễ, khi một vài người tham dự hướng sự chú ý tới giáo viên Geeta mà họ yêu mến, người cũng vừa có sinh nhật gần đây, Geeta đã rời khỏi phòng, từ chối rằng buổi lễ này không dành cho bà và bà không đáng nhận vinh dự đó. Nên tôi cứ thắc mắc rằng khi Geeta Iyengar tới Pasadena vào đêm khai mạc, bước vào một căn phòng đầy những yogi đang nói chuyện ồn ã và đột ngột trở nên yên lặng tôn kính khi bà bước vào, bà đã cảm thấy thế nào.

Geeta Iyengar mang trong mình sự cứng rắn và tôn trọng kỷ luật của cha và lòng trắc ẩn của mẹ – trong một ghi chép hiếm hoi, bà đã kể về điều này một cách đầy yêu thương vào Ngày Của Mẹ. Iyengar cũng có một sự hài hước ngọt ngào và dịu dàng. Vài lần trong buổi hội nghị, bà đã nói đùa dí dỏm với các học viên về sự lười biếng, các bẫy tâm trí mà họ sẵn sàng đi theo chính là để né tránh nỗi sợ và các giới hạn bên trong họ. Những lúc khác, Iyengar nghiêm khắc không khoan nhượng, không chấp nhận chuyện vô nghĩa, thậm chí nóng vội – cũng giống như các giáo viên tâm huyết khi thấy sinh viên của mình thất bại vì thiếu nỗ lực hay cam kết.

“Mọi người nói chúng tôi quá nghiêm khắc hoặc quá cứng rắn”, bà Iyengar nói khi lớp học đang thực hành cách đặt bàn tay trong tư thế Chó úp mặt. “Nếu các bạn vươn dài từ lòng bàn tay, thì tôi đã không quát “Bạn bị xao nhãng điều  gì mà không tập trung vào đó thế hả?”” Mỗi lời hướng dẫn Iyengar đưa ra đều chứa đựng sự quả quyết mà chúng tôi lấy đó để dặn chính mình phải thực hành yoga với tất cả nỗ lực lớn lao và trung thực nhất. Đằng sau những lời chỉ dạy của bà là một trái tim thi vị: “Tâm hồn nhỏ bé thì lòng bàn tay đóng khép, ngắn ngủi. Đôi bàn tay cần mở rộng để cho đi.”

Đôi tay của bà Iyengar luôn rộng mở. Bà không có nhu cầu nuông chiều cái tôi  – dù là của chính bà hay của người khác. Bà không đánh giá thấp sự hiểu biết của mình trước chủ đề yoga rộng lớn. “Tôi biết những gì mình đang làm”, bà nói, nhưng cũng bổ sung “Và tôi biết những gì Guruji (B.K.S Iyengar) đã làm được”. Chính công trình của guru là những gì bà muốn làm sáng tỏ trước tâm trí của người Mỹ – những người thường háo hức quá mức để có các câu trả lời, không tiếp nhận vai trò của uy quyền, hoặc bị xao nhãng bởi sự bám chấp vào cơ thể để có thể hiểu thấu sự việc. Sứ mệnh của bà rất rõ ràng, như bà đã từng nói, đó là đứng trong ánh sáng của cha bà và soi rọi con đường cho những người còn lại.

Yoga Journal:

Bà đã bình luận về sự yêu thích yoga ở nước Mỹ rằng “Đừng để nó trở thành một vụ cháy rừng”. Bà có thể giải thích thêm về câu nói này không?

Geeta Iyengar:

Sự yêu thích và nhiệt tình dành cho yoga tăng lên thì luôn được hoan nghênh. Đối với tôi việc nghiện yoga một cách lành mạnh thì tốt hơn là các chứng nghiện ngập khác. Ngọn lửa của yoga cần được duy trì cháy mãi mà không phát khói trong bản chất tâm linh của việc thực hành (sadhana). Sự yêu thích của người tập luyện (sadhaka) cần được khẳng định và truyền động lực. Tuy vậy, sở thích này không nên giống như một cơn cháy thiêu rụi cả cánh rừng; sự yêu thích đối với yoga không nên mất định hướng và xáo trộn.

Những người tìm kiếm thường đến với những người thầy và trường phái yoga khác nhau, mà không có mục tiêu hay nền tảng thích hợp. Thay vì bước đi vững tin trên một con đường cùng với những đề mục của con đường đó, anh ta thu nhặt kiến thức rời rạc và nhỏ. Thân thể, tâm thức và trí tuệ vẫn mụ mị như cũ. Tìm đến với một người thầy mới trước khi cho phép bản thân được thực hành và tiêu hóa phương pháp đã học từ một người thầy trước, chỉ khiến người đó trở nên rối loạn hơn là sáng suốt.  Trước tiên, học từ một người thầy và thiết lập nề nếp thực hành nghiêm túc sẽ giúp bạn cùng với sự trưởng thành là khả năng nhận biết sự việc.

Thường thì những nỗi đau, vấn đề , bất an, nghi ngờ, hiểu lầm, và nhận thức sai đều bắt nguồn từ việc thiếu hiểu biết. Điều này có nguồn gốc sâu xa từ việc thiếu sự thấu suốt vào bên trong tới bản thể. Học yoga không thể giống như ăn đồ ăn nhanh được. Một người sẽ phải gắn chặt với phương pháp để có thể hấp thụ và tiêu hóa sadhana một cách chính xác và đúng đắn. Hãy ghi nhớ câu châm ngôn “Hòn đá lăn thì không mọc rêu”. Điều đó cũng giống như người thực hành sadhaka cứ mãi đi lang thang.

Yoga Journal:

Bà đã chỉ ra rằng tất cả những thắc mắc của sinh viên về yoga đã được định hướng về bệnh tật. Ngụ ý của điều này là gì, theo quan điểm của bà?

Geeta Iyengar:

Yoga đã trở nên phổ biến như một phương pháp chữa lành kể từ khi nó có giá trị chữa bệnh và phòng bệnh. Nhưng phạm vi của nó còn rộng lớn hơn vậy. Giá trị trị liệu và hàn gắn là một tác dụng phụ mang tính tích cực của sadhana, như kiểu một sản phẩm phụ. Từ quá trình chữa lành này, một sự thúc giục để tiến xa hơn, đến gần hơn với những điều chưa biết, có thể sẽ bắt đầu sớm hay muộn.

Sự yêu thích và tầm nhìn của sadhaka không nên bị giới hạn chỉ bởi khía cạnh trị liệu. Chắc hẳn là một người phải thực hành sẽ luôn đeo bám trong tâm trí căn bệnh mà mình đang chịu đựng. Việc tập luyện không nên đi ngược lại với quá trình chữa lành. Chúng ta phải biết cách đối diện với cơ thể và tâm trí của riêng mình, để các vấn đề có thể được giải quyết và vượt qua bệnh tật. Chúng ta không thể chối bỏ nhu cầu sức khỏe của cơ thể và tâm trí.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, chúng ta không nên để sự chú tâm của mình đi lệch khỏi mục tiêu và cách tiếp cận yoga cơ bản, đó là tiến gần hơn đến bản chất của sự tồn tại. Và cũng để trí tuệ chạm tới cơ thể bên trong. Người ta phải học cách nhìn vào bên trong chính mình để tìm kiếm trạng thái tinh thần và cảm xúc cũng như năng lực trí tuệ của bản thân. Người ta phải học cách nhìn nhận các vấn đề của tâm thức, trí tuệ, cái tôi tỉnh thức và bản ngã, những điều cần phải được chỉnh sửa lại cho đúng để ở lại trên con đường tự thức tỉnh ở bất cứ đâu, và bất cứ khi nào. Người ta không thể cứ mãi chỉ mắc kẹt trong những vấn đề và nỗi đau vật lý, và sự tồn tại vật lý.

Trong khi chỉnh sửa tư thế cơ thể trong asana hay phương pháp hít thở trong pranayama, ta không chỉ chỉnh sửa các cơ bắp, xương, hay hơi thở. Chúng ta chạm tới sự tỉnh thức để hiểu về trạng thái và cách thức của nó. Sự tham gia của tỉnh thức trong asana được kết hợp lại theo cách thức tuyệt vời mà nhờ đó dòng chảy tỉnh thức này vẫn vẹn nguyên tinh khiết và điềm tĩnh.

Yoga Journal:

Bà là một bác sĩ Ayurveda. Việc hiểu biết những nguyên tắc thuộc Ayurveda cần thiết như thế nào đối với một học trò yoga?

Geeta Iyengar:

Tốt thôi, bất cứ kiến thức nào về khoa học chữa lành cũng sẽ hỗ trợ cho sự thực hành yoga, dù cho nó là Ayurveda, hay y học hiện đại, hay liệu pháp vi lượng đồng căn. Tuy nhiên, ngoài cơ thể vật lý, Ayurveda còn công nhận các khía cạnh về tinh thần, tâm trí, tâm lý và trí tuệ của con người. Do đó, nếu như bên cạnh giải phẫu cơ thể học, sinh lý học và thần kinh học, một người còn có hiểu biết về cấu trúc thể tạng – ba gunas: sattva, rajas và tamas; và ba thể tạng: vata, pitta, và kapha – thì người đó có thể có được một bức ảnh X quang rất rõ ràng về tâm và thân của họ.

Điều này vẫn là tri thức khách quan về một con người. Cùng với nền tảng của kiến thức khách quan này, yoga sẽ giúp chuyển hóa tri thức khách quan trở thành kiến thức mang tính trải nghiệm chủ quan về người ấy. Lấy ví dụ, Guruji, cha tôi, đã không có cơ hội được học Ayurveda, nhưng sự thực hành sadhana của ông, sự luyện tập chăm chỉ, dốc hết tâm sức, dấn thân triệt để, và hoàn toàn cống hiến cho yoga đã giúp ông thấu hiểu cơ thể và tâm trí một cách sâu sắc. Trên thực tế, phương pháp thực hành, giảng dạy và chữa trị đều dựa trên trải nghiệm của riêng ông. Ông đã dùng chính cơ thể vật lý và tâm trí của mình như một phòng thí nghiệm, vậy nên cách trị liệu của ông đã trở nên phổ biến khắp thế giới.

Chỉ sau khi học Ayurveda, tôi mới nhận ra kinh nghiệm của Guruji mới gần gũi với Ayurveda đến nhường nào, khi nói về khía cạnh trị liệu. Tôi cũng học Ayurveda sau khi có được hiểu biết đầy đủ về khoa học yoga. Người ta nên tập trung vào yoga trước bởi vì đó là bộ môn chính. Nhưng hiểu biết các nguyên lý nền tảng về sự cấu thành cơ bản của cơ thể người – tâm trí theo Ayurveda sẽ giúp ích rất lớn trong việc thấu hiểu toàn vẹn về con người.

Yoga Journal:

Bà đã khuyến khích học trò tiến tới hiểu biết về các tư thế thông qua trải nghiệm riêng trên thân thể mỗi người. Vậy một người nên làm gì khi trải nghiệm bên trong của họ không giống với những gì giáo viên giảng dạy?

Geeta Iyengar:

Tôi không nói  các học trò nên hiểu asana thông qua cơ thể họ. Cơ thể là một công cụ. Một người cần có hiểu biết rõ ràng về các asana. Nhưng trong khi đang thực hiện asana hay đang  trong một asana, người đó phải học cách kinh nghiệm cơ thể mình – cả bên ngoài lẫn bên trong. Để hiểu thấu sự tỉnh thức, ý thức và trí tuệ của một người cần xuyên qua cơ thể cũng như tâm trí, nhằm cùng hợp tác đánh thức sự tỉnh giác bên trong.

Và đây cũng là thực hành sadhana yoga theo đúng ý nghĩa. Giờ khi tôi yêu cầu học trò xem xét asana của họ và cảm giác cơ thể của họ – cơ thể sẽ định vị, nó sẽ phản hồi – trên thực tế việc đó là để giúp họ học được quá trình trải nghiệm sự sắp đặt của tâm thức và trí tuệ. Sự sắp đặt này là nghệ thuật cảm nhận bản thân từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong.

Khi một người thầy đang giảng dạy, đúng là học trò cần phải nghe lời để học hỏi. Nhưng điều đó không có nghĩa là người hoc trò không nên có sự phân biệt. Khi trải nghiệm từ bên trong của anh ta không tương đồng với lời dạy của thầy, thì anh ta phải phân tích và làm việc nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn để hiểu những gì mà thầy đang truyền đạt. Trò cần cọ xát trí tuệ của mình mạnh mẽ hơn một chút để kiến thức trải nghiệm từ giáo viên có thể sáng rõ hơn.

Khi dạy, tôi yêu cầu học trò của mình làm những điều sau. Họ phải học cách nhìn vào bên trong, cảm nhận chính mình, làm cho bản thân tinh nhạy hơn. Đây không chỉ là sự thể hiện ở bên ngoài. Đây là phương pháp nắm bắt. Đây là nghệ thuật của sự thấu suốt. Dạy cách thực hiện tư thế vật lý thì đơn giản, nhưng để dạy diễn tiến tinh thần trong chính asana ấy là một cách tiếp cận sâu sắc và đầy ý nghĩa.

Yoga Journal:

Suy nghĩ của bà khi là con gái của một người thầy vĩ đại là như thế nào, và bản thân bà cũng là thầy dạy các kỹ thuật của cha bà, độc giả Mỹ sẽ rất thích thú khi được biết thêm về điều này. Bà có nói, ông đối với bà “không như với con gái mà như với học trò” trong cuốn Yoga: Một viên ngọc cho phụ nữ. Bà có thể nói kỹ hơn không?

Geeta Iyengar:

Trước đây một thời gian, có ai đó đã hỏi tôi rằng tôi cảm thấy thế nào khi đứng sau cái bóng của cha mình và tôi trả lời ngay lập tức “Tôi không đứng dưới bóng của ông, mà đứng dưới ánh sáng.”

Khi tôi dạy các kỹ thuật của cha, thì ông không phải là cha tôi mà là guru. Tôi tuân theo guru như bất cứ người đệ tử nào cũng tuân theo guru của họ. Nhưng chắc chắn đó không phải là một niềm tin mù quáng. Sự lỗi lạc của guruji trên con đường này đã chứng tỏ sự đúng đắn và tính thực tế của bộ môn. Sadhana và kinh nghiệm của ông đã trở thành không chỉ một lời hướng dẫn mà còn là ánh sáng dẫn đường cho chúng ta. Khi tôi giảng dạy kỹ thuật của ông, tôi chắc chắn rằng đó là con đường đã được chứng minh. Trong khi bản thân thực hành, tôi đã chứng kiến giá trị và kết quả của phương pháp. Trong giảng dạy, tôi đã thấy kết quả trên những người học trò.

Khi tôi đang trải qua huấn luyện với Guruji, ông đã không thể hiện tình thương như một kiểu tình yêu thương mù quáng đối với con gái mình. Yoga đòi hỏi kỷ luật. Guruji là người tình cảm và nhân hậu, nhưng ông sẽ không thỏa hiệp với kỷ luật. Ông dạy chúng tôi, những học trò yoga, cần phải giữ gìn kỷ luật với bản thân vì lợi ích của chính mình.

Yoga Journal:

Bà đã nói về việc khi mẹ bà nuôi dạy bà, thì mẹ đã tình cảm nhưng vẫn cứng rắn. Bà định nghĩa thế nào về lòng trắc ẩn trong người thầy? Làm thế nào để một người thầy giảng dạy với một sự cân bằng hoàn hảo giữa tình yêu thương và kỷ luật nghiêm khắc?

Geeta Iyengar:

Lòng trắc ẩn và kỷ luật không phải là hai phạm trù tách biệt. Chúng là hai mặt của cùng một đồng xu. Kỷ luật mà không có tình thương sẽ chứng tỏ sự hung bạo và gây hại, và tình thương mà không có kỷ luật thể hiện sự bất lực hay hủy hoại. Người thầy nên  cân bằng cho đúng.

Trong khi dạy, người thầy phải giữ kỷ luật đối với học trò. Nhưng kỷ luật đó không thể là kiểu luật lệ cứng nhắc và khắt khe, bởi vì xét cho cùng kỷ luật sinh ra vì lợi ích của học trò. Giáo viên không nên để kỷ luật trở thành gánh nặng đối với học viên. Mà giáo viên chỉ muốn học viên đi trên một con đường đúng đắn và ngay thẳng. Tuy vậy, sự thay đổi này sẽ không xảy ra ngay lập tức. Nên tình thương của giáo viên sẽ làm dịu bớt đi sự cứng rắn và nghiêm khắc của tính kỷ luật để người học trò có thể tuân theo kỷ luật đó một cách dễ chịu hơn.

Người phỏng vấn: Colleen Morton – giám đốc nội dung trên mạng của Yoga Journal.

Nguồn_YogaJournal

Dịch_YogaVietnam