Có hôm đang tập yoga tại nhà, trong tiếng nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng, tự dưng nảy ra một suy nghĩ: “Căn phòng trống trải này, giờ treo vài bức Mandala, chưng một chậu cây, trải 2-3 tấm thảm, lắp chiếc loa nhỏ cũng thành hình một studio mini rồi. Với cái bằng TT 200h, chia sẻ mở lớp yoga trên Facebook, thể nào cũng tìm được học viên. Không mất chi phí thuê chỗ, xem ra cũng có thu nhập lai rai.” Nếu làm được như tôi, mỗi tổ dân phố sẽ có một yoga studio là chuyện nhỏ. Mà có thực như thế không?

Rất máu với ý tưởng mở phòng tập chợt nảy trong đầu, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm các nguồn thông tin ở nước ngoài xem họ xây dựng yoga studio thế nào, có khó khăn gì không. Theo bài báo “Bí quyết thành công của các yoga studio” đăng trên tạp chí yogitimes.com thì có rất nhiều mô hình kinh doanh yoga. Đó có thể là một mình một ngựa (như tôi đây đang mơ tưởng cái boutique studio của mình), hoặc liên kết với nhiều đối tác khác (vốn lớn hơn, studio sẽ hoành tráng hơn), hoặc khởi đầu như lớp học cộng đồng, không thu phí dạy nhưng thu phí theo hình thức khác, hoặc mở franchise hoặc hoạt động như trung tâm dịch vụ tích hợp bao gồm spa, yoga, gym, bán lẻ. Quả thật, đa số các chủ doanh nghiệp đều thừa nhận chi phí mặt bằng là phần ăn nhiều nhất vào doanh thu, lợi nhuận. Vì thế các chủ studio có xu hướng cắt giảm những đề mục chi phí khác khi có thể. Một trong những khoảng đó là cho marketing, quảng ba studio. Hầu như ai cũng đồng ý là cách thức tốt nhất để có học viên mới là thông qua quảng cáo truyền miệng dân gian muôn đời không thất truyền. Bởi vì bản chất của yoga là khuyến khích sự kết nối và chia sẻ,, khi học viên có trải nghiệm tốt ở một studio, họ sẽ không ngần ngại giới thiệu cho bất kì ai có ý định đến phòng tập vào ngày hôm sau.. Vậy những studio mới nổi (hoặc sắp nổi như boutique studio của tôi) thì làm thế nào? Lời khuyên là đem đến cho khách hàng đang có một trải nghiệm yoga, môi trường thực hành và dịch vụ khách hàng tuyệt vời. Tập trung vào việc chăm sóc khách hàng hiện tại, cung cấp chương trình học chất lượng cùng việc xây dựng cộng đồng sẽ là lực dẫn mạnh mẽ cho đường truyền quảng cáo truyềnmiệng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng có lời khuyên rằng mỗi studio nên nghiêm túc  xây dựng thương hiệu . “Xây dựng thương hiệu studio giống như việc tuyên bố sứ mệnh studio bạn mang lại những gì cho cộng đồng và đây sẽ là điều làm studio của bạn độc đáo. Sứ mệnh này không những nói rõ cho học viên lợi ích của thể loại yoga họ được tiếp cận tại studio mà còn ý nghĩa của yoga trong cuộc sống hàng ngày của họ. Ví dụ như Iyengar yoga là phương pháp tập luyện yoga cùng các dụng cụ, có lợi ích hỗ trợ rất nhiều cho người tập trong việc thực hiện các tư thế chuẩn với những hạn chế nhất định về cơ thể của họ. Học viên tập Iyengar yoga cũng nhận thức được rằng ai cũng có khả năng thực hiện tư thế đúng định tuyến và lợi ích của việc có một cơ thể “thẳng hàng” giúp họ tránh được các tật về xương khớp, chấn thương trong việc sinh hoạt, đi lại hàng ngày.

Đó là ý kiến của các chuyên gia Âu Mỹ, vậy còn Châu Á chúng ta thì sao? Ước mơ xây dựng start-up yoga thôi thúc tôi tìm hiểu thị trường Hồng Kông, nơi được mệnh danh là thị trường yoga siêu lợi nhuận trên thế giới. Chính vì siêu lợi nhuận như thế các nhà khoa học mới tiến hành nghiên cứu và có bài báo cáo “Những yếu tố nào thúc đẩy khách hàng sử dụng dịch vụ của yoga studio”. Bài nghiên cứu thực hiện trên 320 người thường xuyên tập yoga và là học viên thường trực của các yoga studio có tiếng. Kết quả cho thấy khách hàng chú trọng các yếu tố về sản phẩm cốt lõi mà yoga studio cung cấp (trang thiết bị học tập, môi trường lớp học, chất lượng và độ tin cậy của các lớp yoga) và dịch vụ khách hàng. Ấn tựơng tốt về thương hiệu cũng đóng vai trò lớn trong việc tạo lòng tin, sự công nhận lợi ích của yoga studio cho khách hàng và từ đó đem đến kết quả là khách hàng sẽ muốn sử dụng dịch vụ của họ.

Các ví dụ thực tế từ Âu Mỹ cũng như từ các dẫn chứng khoa học từ Châu Á cho tôi  cách nắm bắt toàn cảnh “thị trường yoga” toàn diện hơn. Ở Việt Nam, tôi cũng tham khảo một số yoga studio chuyên nghiệp và được học hỏi từ họ rằng “Chúng ta cần xây dựng tầm nhìn và theo sát hướng đi đó với sự toàn vẹn và ý thức. Tìm kiếm các giáo viên và đối tác có cùng đam mê, có kiến thức, là nguồn cảm hứng và cùng chia sẻ tầm nhìn với chúng ta. Và quan trọng hơn hết là chúng ta xây dựng được một cộng đồng tương trợ, cởi mở và được trao quyền thực hiện những điều tốt đẹp.” Quan sát các hoạt động của các studio này một thời gian với  việc thường xuyên tổ chức sự kiện, lớp học chuyên đề chất lượng, tôi thấy họ đi rất sát với tôn chỉ kinh doanh này. Sẽ đến lúc họ  có được cộng đồng yoga của riêng mình.

Xem ra tôi đã có đầy đủ nguồn lý thuyết để xây dựng mini studio của tôi, quyết tâm “mời gọi”  cho được ít nhất một học viên, cung cấp dịch vụ khách hàng “số dzách” không thể nào quên, mang đến  buổi thực hành yoga number one, không quên nhắc học viên quảng bá hộ mình. À, tôi phải xây dựng một fan page trước tiên cho cộng đồng 1 thành viên. Tôi sẽ thông báo kết quả cho các bạn một ngày gần đây nhé.

Các bạn có thấy bài viết này có ích không? Cho tôi nhiều likes nhé, đấy cũng là một cách tôi xây dựng cộng đồng đấy.

Dịch và tổng hợp
Satya