Brian bị bệnh tự kỷ. Em được 10 tuổi, nhưng trong nhiều trường hợp em gái sáu tuổi của em, bé Lydia, lại là hình mẫu cho em noi theo. Các em cùng đến lớp yoga và Brian nhìn theo hướng dẫn của em gái, rít lên và duỗi người vào tư thế rắn hổ mang, ngồi chồm hổm như con ếch, và duỗi người về phía trước hướng đến các ngón chân. Em yêu thích việc tưởng tượng ra những câu chuyện yoga của riêng em.

Phần yêu thích nhất của em trong yoga là thiền định và hát những câu hát khẳng định. “Tôi hạnh phúc, tôi tốt lành” vang lên đầy nhiệt tình, ngày càng to hơn khi em hát. Việc điều chế thanh âm không dễ dàng cho Brian, nhưng chẳng ai phiền lòng. Em đang vui vẻ. Em đang học cách tự điều chỉnh thông qua sự phát triển khả năng nhận thức vốn là một sản phẩm phụ tự nhiên của thực hành yoga. Và, quan trọng nhất, em học để là chính em.

Tôi đến thăm Brian trong buổi học với chuyên gia ngôn ngữ học Linda Hagood ở Austin, Texas, nơi tôi đang đào tạo khóa Yoga cho trẻ em tỏa sáng. Linda đã học với tôi vài năm trước và đã rất thành công trong việc sử dụng yoga cho các trẻ bị bệnh rối loạn cảm giác, như các em bị tự kỷ hay hội chứng Asperger. Ví dụ như Brian đã nhớ được nhiều kiến thức trong quyển sách Bay như một con bướm: Yoga cho trẻ em của tôi, và tự nguyện dùng phương pháp hát tụng và thở để giữ bình tĩnh ở trường học và trước giờ đi ngủ.

Linda dùng lời khuyên này cho các bậc phụ huynh tìm kiếm sự trợ giúp tự nhiên cho con của họ: “Đối với những bé như Brian, chứng bệnh tự kỷ ảnh hưởng sâu sắc đến việc giao tiếp và các cơ hội xã hội, các buổi học yoga có thể mang lại khoảng thời gian rất đặc biệt để chia sẻ nguồn năng lượng và niềm vui thich với gia đình và bè bạn”. “Thời gian cho yoga” có thể là “thời gian bên cạnh nhau” cho những trẻ gặp thử thách chính là việc tìm kiếm tình thương, tình bạn và sự thân tình.

“Brian và các bé bị tự kỷ khác thường gặp khó khăn với sự thay đổi trong các cuộc đối thoại và những môn thể thao đồng đội phức tạp,” Linda tiếp tục, “nhưng lại có thể bắt lấy tầm quan trọng của việc kết nối với gia đình, bạn bè các em thông qua các chuỗi bài mang tính nghi thức của yoga.”

Nhiều người hỏi tôi tại sao trẻ em nên tập yoga. 20 năm trước đây, câu hỏi đó thường được nêu cho bộ môn võ thuật. Bây giờ các studio dạy võ cho trẻ em xuất hiện khắp các góc phố. Và, cũng như võ thuật, yoga phát triển nhiều phẩm chất tuyệt vời ở trẻ. Bên cạnh những lợi ích rõ ràng nhìn thấy được đối với cơ thể vật lý, yoga mài dũa khả năng bình tĩnh và tập trung của trẻ. Nó vun trồng sự tự tin và kỷ luật. Nhiều người nhận ra rằng nếu trẻ tập yoga đều đặn, chúng sẽ nhận thức tốt hơn suy nghĩ và cảm xúc của mình. Từ những nhận thức này, thay đổi và trưởng thành theo chiều hướng mới và tích cực sẽ nảy nở.
“Yoga đôi khi có thể là nơi đầu tiên mà những trẻ bị tự kỷ học được niềm vui của việc chia sẻ, bắt chước và cùng vui chơi,” Linda nói. “Đối với nhiều gia đình, đó là hoạt động đầu tiên và cũng là duy nhất họ có thể làm cùng nhau.”

Ngày càng có nhiều chuyên gia làm việc với các trẻ bị bệnh rối loạn cảm giác – thường thấy ở trẻ tự kỷ – hoặc với trẻ gặp khó khăn trong việc học tập và rối loạn tăng động giảm chú ý được đào tạo về yoga trẻ em với kết quả rất tốt. Có một sự yêu thích tự nhiên giữa trẻ em và yoga, vì yoga chú tâm vào cả con người trẻ, bao gồm sự kết nối bộ não – cơ thể. Yoga cũng giúp tăng cường và tổ chức lại hệ thần kinh, vốn rất cần thiết cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.

Sau đây là một vài điểm có trong thực hành yoga và lợi ích chữa bệnh của chúng cho trẻ em bị bệnh (và cả người lớn):

  1. Mantra (âm thanh yoga): việc sử dụng sự rung động và cách đọc âm sẽ giúp bình tĩnh và thu hút chú ý. Khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ và khả năng nói. Giúp thiết lập việc giao tiếp bằng mắt.
  2. Pranayama (nhận thức hơi thở): việc thở sâu có hiệu quả làm dịu. Trẻ có khả năng học cách thở để lấy lại bình tĩnh. Luyện tập thở khuyến khích sự phát triển hơi thở hỗ trợ cho lời nói và ổn định tư thế. Trẻ em bị bệnh tăng động hoặc có mức độ hoạt động không ổn định phản ứng rất tốt với các bài thực hành hơi thở để bình tĩnh và ổn định lại mức độ hoạt động. Các trường phái yoga sử dụng cùng lúc vận động và hơi thở – như trong Vinyasa hoặc một số bài tập của Kundalini yoga – thì rất phù hợp.
  3. Asana (tư thế và bài thực hành): giúp phát triển mọi khía cạnh của kĩ năng vận động, bao gồm cả sự nhận thức tổng quát về cơ thể và vị trí trong không gian.
  4. Savasana (thả lỏng sâu): chỉ cần một vài khoảnh khắc ngắn ngủi trong tĩnh lặng có thể gây ra hiệu ứng nhiều lợi ích cho những trẻ vốn hay di chuyển, không thể ngừng nghỉ. Hãy sử dụng kĩ thuật hình dung. Hãy thử lăn một một quả bóng lên xuống chầm chậm trên cơ thể với áp lực trung bình.
  5. Thiền định (thời gian im lặng/tỉnh táo): phát triển khoảng chú ý, khả năng ngồi yên và tập trung. Giúp tháo gỡ sự lo âu và làm trống tâm trí khỏi những suy nghĩ vụn vặt để có thể tiếp nhận những kiến thức mới. Việc sử dụng các bài hát và những câu khẳng định yoga là phương pháp tốt để bắt đầu, ví dụ như “Tôi hạnh phúc, Tôi khỏe mạnh.”

Trong 33 năm giảng dạy yoga cho trẻ em, tôi chưa bao giờ thất bại trong việc nhận thấy những điều mới mẻ trong hành trình tự khám phá của trẻ qua yoga. Trẻ em quá trong sáng và sáng tạo trong cách chúng tiếp cận cuộc sống. Và yoga khuyến khích chúng sáng tạo, giải phóng nỗi sợ hãi, tức giận, buồn đau, tỏa sáng niềm tin vào cái tôi bên trong chúng, kết nối trái tim và tâm trí. Tôi giao cho chúng các dụng cụ nhận thức, và chúng biểu lộ sự nhân thức đó với sự thông suốt và thông thái khiến tôi ngỡ ngàng. Và khá thường xuyên chúng đóng vai trò như người thầy của tôi.

Một số mẹo yoga để làm việc với trẻ tự kỷ:

  • Tạo khoảng thời gian đặc biệt trong ngày cho yoga. Dành thời gian vào buổi sáng hoặc buổi tối và sau buổi học nên có bài thả lỏng sâu.
  • Bắt đầu buổi học bằng cách nhắm mắt, hít thở sâu để tập trung vào bản thân. Rủ trẻ cùng thực hiện với bạn, nhưng đừng ép. Nếu bạn có “âm thanh” yoga mà bạn có thể sử dụng, hãy tụng vài lần trước khi bắt đầu. Âm thanh đó sẽ làm dịu bé, và bé có thể quyết định tập cùng bạn khi đã quen thuộc.
  • Trẻ em với bệnh tự kỷ cần những điều có tính cấu trúc và không gây bất ngờ (có thể đoán được). Hãy dùng các hình ảnh trực quan để giúp trẻ tập trung vào tư thế hoặc bài tập bạn đang thực hành. Vẽ một chuỗi tư thế yoga bằng hình ảnh trên bảng trắng (mà bạn có thể bôi đi khi tư thế/bài tập đó kết thúc), hoặc tạo một chuỗi các hình yoga và cho bé xem theo thứ tự. Các bức ảnh trong sách Bay như con bướm của tôi là hình ảnh trực quan tuyệt vời cho từng tư thế/bài tập.
  • Khi dạy điều gì mới mẻ – ví dụ một bài tập thở mới – hãy tập riêng hoạt động đó trước khi bổ sung nó vào chuỗi bài tập với các bài khác.
  • Mỗi trẻ đều khác nhau, và mỗi trẻ bệnh tự kỷ cũng khác nhau, nên bạn cần chắc chắn theo nhịp của trẻ và tạo các hoạt động yoga đáp ứng nhu cầu của bé. Nếu bé hay rung lắc, hãy tập bài Lạc đà gập ghềnh (sách Bay như con bướm). Nếu trẻ hay chạy lung tung khắp phòng, hãy làm sao hoạt động chạy là một phần của bài tập yoga cho trẻ. Và rồi dần dần giảm việc chạy thành việc đi nhón gót, và đi trở lại thảm tập.
  • Trẻ em, đặc biệt các em nhỏ và những em có nhu cầu học đặc biệt, luôn muốn sự lặp đi lặp lại. Hãy tập cùng một bài tập yoga mỗi lần như vậy, nhưng đôi khi thêm vài biến thể để tạo hứng thú.
  • Để ý trẻ làm điều gì đó đúng hoặc tốt, và luôn khuyến khích với nụ cười hay lời khen.

Nguồn: Childrensyoga

Dịch bởi Yogavietnam