Giữa những tổ chức tâm linh chủ đạo, Yoga có thể đứng riêng biệt với phẩm tính giúp chúng ta nhận diện những phân mảnh hoang dại, chưa được thuần hóa, “lấm lem” và không thể nhắc tới trong bản chất con người.

Để có thể nhận ra con người thực của chính mình, tôi tin chắc rằng ta không thể cứ mãi dừng lại với những điều “nhẹ nhàng hay dễ chịu”, mà còn cần nhìn vào mặt tối tăm hơn của bản thể. Ở nơi đó, lẩn trốn trong bóng tối, những nỗi sợ đích thực của chúng ta đang nằm yên. Nếu như ta có sắp sửa sống một cuộc đời tự do, rồi thực sự tạo nên thay đổi trên thế giới này, thì ở một chừng mực nào đó, ta có sẵn sàng đương đầu và tự dấn thân mình vào “Trò chơi cuộc đời”?

Đại đa số mọi người sẽ chờ đợi cho tới khi đã quá muộn và đó là điều mà hầu hết chúng ta đang hướng tới bây giờ. Bản chất của sự quan sát này có thể thấy được rõ ràng khi ta tổng kết lại cuộc đời của chính mình cùng những sự kiện đã xảy ra trên cấp độ Hành tinh. Sự thật thì chính bản chất của con người là đợi chờ, hơn là làm điều gì để tạo ra thay đổi, chỉ đứng đợi và không làm gì hết.

Yoga không dành cho những người cứ mong đòi hỏi mãi từ thế giới. Yoga không dành cho những người khoái giữ tư tưởng “theo đám đông” và làm theo những gì được xã hội chấp nhận. Yoga cũng không dành cho những người ước ao ra vẻ tử tế.

Yoga có thể là một công cụ đầy quyền năng cho những ai có ý định tìm kiếm những cách thể hiện mới mẻ và thay đổi cách củng cố, vun bồi cho ánh sáng nội tâm. Nó dành cho những người mong ước trở thành nguồn lực vĩnh cửu và tìm kiếm con đường làm “tấm vải của sự thiện lương” trên thế giới này bền chắc hơn. Vì sao? Bởi vì nhiều sợi dệt của tấm vải này đang trở nên rất yếu ớt ngay bây giờ, và thế giới cần bạn… thế giới thực sự cần BẠN sẵn sàng đương đầu và tạo nên khác biệt.

Quay trở về câu hỏi đó một lần nữa, “Tự Do là gì và chúng ta có thật sự Tự Do không?”. Câu hỏi này khéo léo dẫn dắt ta tới sự tranh luận về mục đích tối hậu trong Yoga, thứ được gọi là “Moksha”, có nghĩa là “Giải Thoát hoặc Tự Do”.

Đáng buồn là đa phần chúng ta sống trong một trạng thái ảo tưởng về tự do, không bao giờ thực sự hiểu được tự do là gì, và thậm chí cũng không thử nỗ lực để hiểu về nó. Chúng ta tiếp tục sống trong những chiếc lồng bằng vàng khối, không bao giờ thực sự bước ra khỏi những chấn song mà chúng ta tự tạo ra. Chúng ta giống như những con hổ không ngừng đuổi bắt đuôi mình trong những chiếc lồng sơn son thếp vàng, cứ chạy không ngừng trong vòng tròn và nghĩ rằng nếu như có thể tóm được cái chỏm đuôi, ta sẽ hạnh phúc.

Rồi đột nhiên, ta thực sự đã bắt được “chiếc đuôi ảo ảnh” đó, chỉ để phát hiện ra rằng việc đó không làm ta hạnh phúc. Trong sự giác ngộ này, ta còn trở nên bất hạnh hơn bởi vì ta không được hạnh phúc. Thế rồi, chúng ta bỏ qua cái đuôi, và vòng luẩn quẩn bắt đầu lại một lần nữa. Thay vì đầu tư năng lượng của mình cho việc thoát khỏi chiếc lồng vàng, chúng ta lặp lại chu kỳ đó hết lần này sang lần khác, lặp đi lặp lại…

Cuối cùng thì… ta chết.

Đây không phải là một sự kết án. Đây là sự thật bởi vì đó là bản chất của thân xác. Chúng ta không thể thay đổi điều đó. Swami Rama đã từng nói đùa về việc này, “Cái chết là một thông báo tịch biên tài sản gửi tới những người vô minh”.

Cảm hứng cho bài viết đặc biệt này đến vào ngày 18, tháng 12, năm 2006, khi một học viên của tôi qua đời. Anh ta cỡ chừng 35 tuổi và đã đi cùng chúng tôi tới Costa Rica năm 2005. Anh đang lên kế hoạch để quay lại một lần nữa vào tháng Hai, năm 2007, và thậm chí đã gửi email cho tôi một tuần trước đó để thông báo về lịch trình chuyến bay.

Hai năm trước, anh chàng bắt đầu con đường Yoga. Anh ta có một mối quan hệ độc hại và còn nợ nần tiền vay mua nhà. Điều này ở một khía cạnh nào đó cho anh ta cảm giác an toàn với tương lai. Mỗi lần tôi hỏi “Cậu thực sự muốn điều gì? Điều mà trái tim cậu thực sự khao khát là gì?” Tôi không bao giờ nhận được câu trả lời. Tôi không chắc, liệu cậu ấy đã tìm ra câu trả lời trước khi chết hay không, nhưng khi tôi nghe tin cậu mất, vào ngày kế tiếp tất cả những gì tôi có thể nghĩ tới đó là – Nếu cậu ta biết trước chỉ trong hai năm, mình sẽ rời bỏ cơ thể này thì cậu có hành động khác đi không.

Trong mỗi chúng ta, đều tồn tại một khao khát có thực; khao khát về phần hoang dại, ham muốn được tự do, mong muốn được không sạch sẽ, mong muốn được sa xuống và lấm bẩn, để khám phá ra bản chất đích thực của mình và thể hiện ra thứ bản thể nguyên chất.

Số đông chúng ta hoạt động như những chú voi bị giam cầm, chân bị xiềng xích. Dây xích đã từng được móc vào một vật thể bất động nhưng bây giờ thì không còn nữa. Trong tâm trí của chúng ta, chừng nào dây xích còn buộc vào chân, ta sẽ mãi luôn mắc kẹt. Tuy nhiên, dây xích đó không còn gắn với bất cứ thứ gì nữa và ta chỉ đơn giản là lãng quên việc ta tự do.

Dạo gần đây, trong lớp yoga của mình, tôi đã gợi mở đôi chút về một ý niệm mà tôi tự gọi là “Lựa chọn của Yogi”. Thi thoảng, chúng tôi tự mình tập luyện và thi thoảng chúng tôi tập chung với một bạn tập. Trong những khoảnh khắc này, học viên có cơ hội thực hiện bất cứ tư thế hay bài tập nào mà họ muốn. Điều đáng ghi nhận và mang tính hướng dẫn nhiều nhất đối với tất cả chúng tôi đó là, chính trong giây phút quý báu này hầu hết học viên đều đóng băng. Hình ảnh của con voi cứ luôn hiện lên trong tâm trí tôi.

BẠN CÓ THỰC SỰ TỰ DO? TỰ DO ĐÍCH THỰC LÀ THỨ GÌ?

Làm thế nào để ta biết liệu mình có đang sống trong tù ngục không? Bởi vì ta thường nói mấy câu như “Tôi không thể…”, “Điều đó bất khả thi”, “Tôi không được phép” hay “Điều này hay điều kia là sai trái”. Chúng ta lặp lại những thần chú như “Tôi phải làm cái này, cái kia”, “Xã hội nói tôi phải…”, “Gia đình của tôi nói tôi phải…”

Đó chính là tù ngục mà ta tự tạo ra, thứ nô dịch chúng ta. Swami Rama nói, (Thiền định không phải là thứ như bạn nghĩ…): “Tâm trí của bạn hoặc là chiếc chìa khóa dẫn bạn tới sự tự do, hoặc là viên cai ngục cho nhà tù của chính bạn” . Chỉ thông qua thực hành yoga một cách có hệ thống, bạn mới có thể thấu hiểu điều này và bắt đầu làm việc với tâm trí theo cách thức hỗ trợ bạn sống SÂU SẮC thực sự trên mọi cấp độ.

Yoga mở ra cánh cửa tới sự thử nghiệm, cho chúng ta cơ hội được thử thách những điều mới, trông thấy những vùng ta đang tự giới hạn bản thân và những vùng ta không giới hạn. Yoga cho chúng ta cơ hội được học cách đối phó với những vấn đề và thay vì luôn luôn chạy trốn khỏi chúng, ta học cách hít thở trong vấn đề và vượt qua vấn đề. Yoga giúp chúng ta xây dựng một tâm trí vững mạnh, một tâm trí tập trung và trực tiếp. Nó giúp chúng ta củng cố một thân thể tráng kiện và không phản ứng trước những áp lực nhỏ của cuộc sống.

Sức sống của chúng ta sẽ bắt rễ và lớn mạnh từ một nền tảng vun đắp bằng phúc lạc và bình an nội tâm. Từ cảm nhận vui sướng sâu sắc đó, ta bắt đầu quay trở lại thế giới, không chỉ để tạo hình lại cuộc đời mình mà còn để ảnh hưởng một cách lớn lao tới những người xung quanh chúng ta cùng có được sự hạnh phúc như vậy.

Có một sức mạnh nằm trong việc sống hạnh phúc. Làm thế nào để ta “hạnh phúc”? Bằng cách đơn giản là nhớ đến bản chất nguyên thủy đích thực của chính mình.

Tất cả những bản kinh, như Kinh Phật, Kinh Koran, Kinh Thánh, Kinh Sutras, Hatha Yoga Pradipika, Áo Nghĩa Thư hay thậm chí là Ngũ Thư đều nói rằng giây phút ta quay vào bên trong, sự vô minh biến mất và tất cả ngọn nguồn của phiền não đều xa rời ta. Thứ ở lại là niềm vui và hạnh phúc tinh khiết.

Một phần của vấn đề nằm ở việc chúng ta bắt nguồn hạnh phúc một cách cực đoan từ những điều bên ngoài. Ta ra khỏi con đường của mình để có được nhiều thứ hơn, để ăn tại những nhà hàng đắt đỏ nhất, để có được những người bạn “hay ho” và tất cả những hoạt động kiểu này có thể khiến ta kiệt quệ. Tôi đã từng giống như vậy, trong vòng chỉ có 5 phút khi tôi vừa mới bước ra từ tủ quần áo. “Theo đuổi hạnh phúc” là một lối sống. Những gì giờ đây tôi biết là đúng đối mình, đều là kết quả của việc tôi đã mất nhiều năng lượng để đuổi theo hạnh phúc trong đời và còn lại rất ít sức lực để nhận ra hạnh phúc thực chất đến từ đâu… cho đến khi quá muộn.

Tôi tin mỗi người trong chúng ta đều có năng lực làm được nhiều điều lớn lao hơn, đặc biệt là khi chúng ta thực tâm quyết định rằng, “Phải, tôi ở đây và tôi lựa chọn Tự Do”.

Nếu bạn thực sự sẵn sàng để đưa ra quyết định đó, vui lòng thực hành những bài tập dưới đây.

Hãy lấy giấy bút và trả lời những câu hỏi sau:

ĐỐI VỚI TÔI LÚC NÀY, SỰ TỰ DO TRÔNG NHƯ THẾ NÀO?

Những điều mà “Tôi không phải” trong cuộc đời mình?

  • Xã hội nói tôi phải…
  • Gia đình tôi nói tôi phải…
  • Mẹ tôi nói tôi phải…
  • Chính phủ nói tôi phải…
  • Công việc nói tôi phải…
  • Đồng nghiệp nói tôi phải…
  • Tôn giáo của tôi nói tôi phải…

Tôi có thực sự muốn những điều này? (Bạn có biết rằng bạn có thể đốt bỏ chúng?)

Những chướng ngại nào ngăn tôi sống cuộc đời mình thật tự do?

Và sau cùng, hãy đặt ra hai lời cam kết. Chứ không chỉ là những lời nói xuông “Tôi sẽ làm”, nhưng bạn sẽ không bao giờ làm.

  1.  Ngồi trong đúng 10 phút mỗi ngày, trong yên tĩnh và đơn độc. Điều này có nghĩa là không âm nhạc và không có sự phân tâm… chỉ có tĩnh lặng thuần túy. Bài thực hành này theo thời gian sẽ bộc lộ cho bạn thấy hiệu quả của nó.
  2. Nói theo lời của Bryan Kest, “Nhấc mông lên và tới lớp tập Yoga”. Nhiều học viên của chúng tôi vẫn cần giáo viên nhắc nhở liên tục và quên mọi thứ rất nhanh. Đó không thực sự là lỗi của bạn, như kiểu lỗi của một con sư tử làm thịt con mồi. Đó là bản tính của bạn khi lãng quên, vậy nên bạn cần phải phát triển sự kiên định từ bên trong để khi bạn quên, những khuôn mẫu thói quen tích cực sẽ ở đó để giúp bạn ở lại trong tiến trình.  Nói một cách trung thực, nếu bạn không đến lớp yoga một lần một tuần, thì làm thế nào mà bạn có thể trông mong những kết quả nổi bật?

Hãy nỗ lực thật nghiêm túc, thật chân thành và theo thời gian, trời sẽ không phụ lòng bạn. Đó là nguyên lý của vũ trụ này. Tuy nhiên, hãy cho nó thời gian và giữ tâm kiên nhẫn, rồi bạn sẽ thực sự biết được tự do.

Yogi Aaron.

Nguồn:_Blueosa

Dịch_Yogavietnam